Một xu hướng đầu tư mới đang dần xuất hiện trên thị trường chứng khoán toàn cầu khi những người tham gia thị trường chuyển trọng tâm đầu tư trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài.
Một xu hướng đầu tư mới đang dần xuất hiện trên thị trường chứng khoán toàn cầu khi những người tham gia thị trường chuyển trọng tâm đầu tư trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài.
Cổ phiếu của những gã khổng lồ công nghệ vài tháng trở lại đây đã sụt giảm nghiêm trọng, trong khi những cổ phiếu của các lĩnh vực bình thường khác như năng lượng và nông nghiệp lại đang chứng kiến những diễn biến tích cực.
Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, Joseph Quinlan và Lauren Sanfilippo - hai chiến lược gia của Bank of America đã khuyến nghị một nhóm cổ phiếu đầu tư mới, thay thế cho sự thống trị của FAANG bao gồm: Facebook (hiện đổi tên thành Meta), Apple, Amazon, Netflix và Google.
Theo đó, nhóm cổ phiếu đầu tư mới sẽ có tên là FAANG 2.0, có 5 lĩnh vực liên quan đến nhiên liệu, hàng không vũ trụ và quốc phòng, nông nghiệp, hạt nhân và năng lượng tái tạo, vàng, kim loại và khoáng sản.
Các chiến lược gia cho biết, FAANG 2.0 phản ánh “một thế giới mới” về những nguy cơ rủi ro liên quan đến địa chính trị và nguồn lực.
Trong số các cổ phiếu của Mỹ, giá cổ phiếu của Tập đoàn sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất EQT tại Mỹ đã tăng 2,2 lần trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 đến ngày 9/6 do kỳ vọng Tập đoàn sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang châu Âu - một thị trường phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga nhưng hiện đang mong muốn giảm sự phụ thuộc đó.
Tại Nhật Bản, cổ phiếu của Mitsubishi Heavy Industries tăng khoảng 70% trong suốt khoảng thời gian khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sẽ gia tăng chi tiêu quốc phòng một cách đáng kể. Tương tự, cổ phiếu của Nutrient - một nhà sản xuất phân bón của Canada cũng chứng kiến đà tăng phi mã lên tới 20%.
Bên cạnh đó, các quỹ ETF trong 5 lĩnh vực FAANG 2.0 đã hoạt động tốt hơn chỉ số MSCI toàn cầu là 17% kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang, phản ánh rõ sự tương phản với hoạt động kém hiệu quả của các ETF khi đầu tư vào nhóm FAANG ban đầu.
Cổ phiếu của Netflix đã giảm 50% trong cùng kỳ do bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đáng kể lượng người dùng.
Xem thêm: Sau cú trượt dài, Netflix đối mặt với tình hình không mấy khả quan
Các công ty trong năm lĩnh vực này cũng được kỳ vọng sẽ có lợi nhuận được cải thiện. Theo QUICK-FactSet, các nhà phân tích dự báo rằng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong bốn lĩnh vực dầu khí tổng hợp, hàng không vũ trụ và quốc phòng, hàng hóa nông nghiệp và xay xát, và kim loại quý sẽ tăng đến năm 2024. Trong khi năng lượng hạt nhân không được đưa vào dự báo nhưng EPS lĩnh vực này dự kiến sẽ vẫn cao.
Hơn nữa, Ngân hàng Thế giới vào tháng 4 đã nâng mức dự báo giá năng lượng cho năm 2024, điều chỉnh từ dự báo tháng 10/2021 là 84,4 lên 110,8. Chỉ số này bao gồm giá dầu, khí đốt và năng lượng khác.
Dự báo giá lương thực cũng được nâng lên 15% so với dự báo đưa ra trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Công ty tình báo Quốc phòng Janes đã nâng dự báo chi tiêu quốc phòng toàn cầu cho năm 2025 lên 2,22 nghìn tỷ USD từ 2,15 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng đang dần chấp nhận quan điểm của Bank of America về những ảnh hưởng tiêu cực mà cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra cho hệ thống tài chính thế giới.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, giá nhiên liệu hóa thạch và một số sản phẩm nông nghiệp có xu hướng tăng do cơ sở sản xuất hạn chế của chúng. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải xem vấn đề an ninh quốc gia và an ninh khác như một biến số để xác định chính sách quản lý.
Vì vậy, các công ty FAANG 2.0 có thể tận dụng đà tăng của những loại chi phí này để điều hướng thực tế mới. Và cũng chính vì điều này, các nhà phân tích nhận định, sự hoạt động tích cực gần đây của nhóm các cổ phiếu này không phải là điềm báo tốt cho nền kinh tế thế giới.
Xem thêm: Thị trường tiền điện tử có đe dọa tới hệ thống tài chính toàn cầu hay không?