Phiên cuối tuần (24/6), thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng ở mọi chỉ số. Đặc biệt, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 800 điểm, phục hồi khỏi mức đáy của thị trường con gấu và đánh dấu tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 5/2022.
Phiên cuối tuần (24/6), thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng ở mọi chỉ số. Đặc biệt, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 800 điểm, phục hồi khỏi mức đáy của thị trường con gấu và đánh dấu tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 5/2022.
Cụ thể, Dow Jones tăng 823,32 điểm, tương đương 2,68%, lên 31.500,68. S&P 500 tăng 3,06% lên 3.911,74 và Nasdaq Composite tăng 3,34% lên 11.607,62.
Các chỉ số chính kết thúc một tuần giao dịch với sắc xanh khi S&P 500 tăng gần 6,5%, Nasdaq Composite, Dow Jones lần lượt tăng 7,5% và 5,4%.
Động thái trên thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi sau tuần sụt giảm tồi tệ nhất đối với S&P 500 kể từ năm 2020. Tuần trước, S&P 500 sụt 5,8%. Cả ba chỉ số chính Dow Jones, Nasdaq Composite và S&P 500 đều chứng kiến chuỗi giảm trong ba tuần liên tiếp khi giới đầu tư cân nhắc xem liệu thị trường đã tìm thấy đáy hay chưa.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia ở Phố Wall cho rằng triển vọng vẫn không mấy sáng sủa.
Các chỉ số bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm qua sau khi một số liệu về người tiêu dùng được Fed theo dõi chặt chẽ cho thấy kỳ vọng lạm phát đã hạ nhiệt phần nào.
Ngoài ra, tâm lý người tiêu dùng đã đạt mức thấp kỷ lục là 50 điểm vào tháng 6, theo kết quả từ cuộc khảo sát của Đại học Michigan được công bố vào sáng hôm qua.
Chris Senyek của Wolfe Research cho biết: “Chúng tôi tin rằng sự phục hồi trên thị trường chứng khoán Mỹ trong ba ngày giao dịch vừa qua là một đợt phục hồi của thị trường giá xuống do tình trạng quá bán diễn ra mạnh mẽ”.
“Mặc dù trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục đi lên nhưng chúng tôi vẫn dự đoán những kịch bản tiêu cực trong trung hạn sẽ xảy ra, đồng thời đợt suy giảm sau đó sẽ bị chi phối bởi rủi ro suy thoái gia tăng và các doanh nghiệp hạ dự báo lợi nhuận”, ông nhận định thêm.
Xem thêm: Thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc xanh tại phiên cuối tuần
Terry Sandven - Giám đốc chiến lược cổ phiếu của công ty quản lý quỹ U.S. Bank Wealth Management nói: “Nhìn chung, tâm lý thị trường hiện đang trái chiều. Người tiêu dùng đang ra ngoài và chi trả cho những ‘trải nghiệm’, cụ thể là du lịch, giải trí, đồ làm đẹp, đồ dùng thiết yếu trong gia đình,... Mặt khác, lạm phát gia tăng, đặc biệt là chi phí thực phẩm và năng lượng cao hơn - một trong số những lực cản được nhiều người dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các khoản chi tiêu không thiết yếu trong tương lai gần”.
Tại phiên giao dịch cuối tuần, tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi lên.
Cổ phiếu du thuyền dẫn đầu mức tăng của S&P 500 với cổ phiếu của Carnival Corporation tăng 12,4% sau khi lượng đặt phòng trong quý gần đây nhất tăng gần gấp đôi so với quý đầu tiên.
Royal Caribbean Group tăng khoảng 15,8%. Cổ phiếu của Norwegian Cruise Line Holdings cũng tăng gần 15,4%.
Ngành tài chính cũng là nhóm cổ phiếu đáng chú ý khi cổ phiếu một số ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã bật tăng sau khi Fed công kết quả bài kiểm tra sức chịu đựng (stress test) hàng năm. Fed cho biết, các công ty như Wells Fargo có nguồn vốn mạnh để chống chọi với suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Giá cổ phiếu của Wells Fargo tăng gần 7,6% và Capital One tăng 5,6%.
Xem thêm: Chủ tịch Fed quyết tâm kiềm chế lạm phát, đồng thời thừa nhận khả năng suy thoái