Giới phân tích kinh tế đang lo ngại triển vọng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ khó có thể thực hiện.
Giới phân tích kinh tế đang lo ngại triển vọng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ khó có thể thực hiện.
"Hạ cánh mềm" trong kinh tế dùng để chỉ xu thế xuống dốc theo chu kỳ để tránh suy thoái. Với riêng nền kinh tế Mỹ, "hạ cánh mềm" được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) định nghĩa là đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% trong khi vẫn duy trì được sức mạnh cho thị trường lao động. Song nhiệm vụ này đang khó khả thi.
Niềm tin của các nhà đầu tư về cuộc "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ bị thách thức nặng nề khi FED tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát hiện ở mức trên 8%. Các công ty Tài chính lớn tại Mỹ đều lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Còn theo Wells Fargo khả năng này là trên 50%.
Nguy cơ suy thoái đang phủ bóng đen lên ngành sản xuất Mỹ khi có tới 75% các nhà sản xuất trong cuộc khảo sát mới đây cho biết sức ép lạm phát ngày càng tồi tệ hơn so với nửa năm trước. Đà tăng mạnh của các chi phí năng lượng, lương thực, vận tải, tiền lương rồi tình trạng thiếu lao động khiến bức tranh nền kinh tế Mỹ trở nên u ám.
Việc tăng mạnh bất thường lãi suất của FED diễn ra chỉ vài ngày sau khi thị trường tài chính Mỹ "hỗn loạn", cổ phiếu lao dốc, lợi tức trái phiếu tăng vọt và giá trị tiền điện tử như Bitcoin sụp đổ.
Lãi suất tăng, khiến nhu cầu vay thế chấp tại Mỹ chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Người Mỹ đang khó mua nhà hơn khi giá nhà tăng cao, nguồn cung nhà lại giảm. Lãi suất trung bình cho các khoản vay thế chấp trong 30 năm ở Mỹ liên tục tăng từ 5,4% lên 5,65%, thậm chí đạt 6,28% vào ngày 14/6.
New York Times trích dẫn chứng của Chủ tịch Powell lấy dẫn chứng về những cú "hạ cánh mềm" thành công khi FED tăng lãi suất vào những năm 1965, 1984 và 1994. Thế nhưng những lần "hạ cánh mềm" đó xảy ra khi lạm phát ở mức thấp hơn nhiều so với hiện nay và không có những cú sốc lớn như đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine.
Tờ báo này cũng đưa ra một thực tế rằng, kể từ đầu những năm 1980, sáu trong tám chu kỳ tăng lãi suất của FED đều kết thúc bằng suy thoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế Mỹ vẫn lạc quan khi chỉ ra thực tế về thị trường lao động Mỹ đang bùng nổ và nhu cầu của người lao động vẫn ổn định bất chấp giá cả tăng cao làm giảm sức mua. Điều này có thể giúp việc hạ nhiệt lạm phát mà không đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.