Trong top 10 công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, có đến quá nửa doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận 3 chữ số trong năm 2021 so với cùng kỳ.
Trong top 10 công ty chứng khoán dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, có đến quá nửa doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận 3 chữ số trong năm 2021 so với cùng kỳ.
Giai đoạn công bố số liệu tài chính qua đi cũng là lúc những công ty chứng khoán lần lượt xác lập các kỷ lục mới về lợi nhuận trong năm 2021. Hiếm có lĩnh vực nào trong năm qua như chứng khoán ghi nhận các doanh nghiệp đồng loạt lãi lớn, tăng trưởng mạnh hàng trăm phần trăm.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất báo lãi sau thuế tổng cộng 14.294 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ 2020.
Trong số này, quán quân lợi nhuận thuộc về TCBS, công ty chứng khoán thành viên của Techcombank. Năm vừa qua, TCBS đạt lợi nhuận ròng 3.049 tỷ đồng với mức tăng trưởng 42%, bỏ xa các đối thủ đứng phía sau.
Tuy nhiên, khác với các công ty chứng khoán còn lại, TCBS hốt bạc nhờ vị thế dẫn đầu tuyệt đối trong thị trường môi giới giao dịch trái phiếu với gần 39% thị phần. Trong khi đó, về mảng cổ phiếu, TCBS kết thúc năm 2021 với thị phần 4,6%, xếp ở vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng của HoSE.
Trong khi đó, công ty chứng khoán có lợi nhuận cao thứ hai là SSI với mức lãi 2.672 tỷ đồng, tăng trưởng 113% trong năm vừa qua. Tuy nhiên, SSI lại có bước lùi về thị phần môi giới khi bị tụt xuống vị trí thứ hai với 11,1% sau nhiều năm liên tục dẫn đầu về thị phần tại HoSE.
Đồng thời, SSI cũng đang cảm nhận hơi nóng khi cái tên xếp ngay sau về lợi nhuận là VNDirect trong năm qua tăng trưởng đến 244%. Năm 2021, VNDirect báo lãi 2.383 tỷ đồng, chỉ kém SSI chưa đến 300 tỷ đồng. Trong khi đó, mới chỉ một năm trước, mức lãi của VNDirect chỉ tương đương khoảng hơn 50% của SSI.
Hai công ty chứng khoán kỳ cựu còn lại gồm HSC và Bản Việt (VCSC) lần lượt báo lãi 1.147 tỷ đồng và 1.499 tỷ đồng với mức tăng trưởng trên dưới 100% so với cùng kỳ 2020.
Trong khi đó, VPS - công ty chứng khoán với thị phần liên tục tăng nhanh trong một năm qua, hiện dẫn đầu HoSE, lại có mức tăng trưởng lẫn lợi nhuận tuyệt đối khiêm tốn hơn nhiều so với các doanh nghiệp đàn anh. Năm vừa qua, lợi nhuận của VPS chỉ đạt 796 tỷ đồng, tăng 58%.
Thậm chí, lợi nhuận của VPS còn thấp hơn so với FPTS, công ty có thị phần đứng thứ 8 (3,4%). Năm 2021, FPTS báo lãi 846 tỷ đồng, tăng gần 400% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là công ty chứng khoán trong top 10 về thị phần ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất.
Các công ty chứng khoán còn lại trong top 10 như Mirae Asset, MBS, KIS cũng trải qua một năm thành công khi lợi nhuận đều vượt mốc 500 tỷ đồng với mức tăng trưởng từ 60% đến gần 200% so với 2020.
"Doanh thu phí môi giới của các công ty tăng nhanh tương ứng theo giá trị giao dịch. Lãi cho vay margin (ký quỹ - PV) cũng tăng nhanh theo, giúp các công ty tăng biên lợi nhuận. Nhiều công ty chứng khoán căng nguồn, đã cho vay margin kịch kim và giờ đang khát vốn", ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao của KIS Việt Nam chia sẻ với Dân trí về việc các doanh nghiệp chứng khoán bội thu năm qua.
Ông Phương cũng nhận định cho rằng khi thị trường sẽ còn tiếp tục diễn biến tích cực ít nhất đến năm 2022 với nhiều yếu tố thuận lợi như dịch Covid-19 dần được đẩy lùi khi tỷ lệ bao phủ vaccine lớn, nền kinh tế phục hồi với các gói hỗ trợ lớn, nhà đầu tư quen thuộc với kênh đầu tư chứng khoán hơn sau thời gian giãn cách.
"Nếu thị trường tiếp tục tăng trưởng, nhà đầu tư tham gia nhiều hơn nữa, các công ty chứng khoán sẽ còn tiếp tục hưởng lợi, ít nhất trong năm 2022", ông Phương dự báo.
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nam-hot-bac-cua-cac-cong-ty-chung-khoan-quan-quan-loi-nhuan-la-ai-20220204164039626.htm