Lãnh đạo Hà Nội vừa chỉ đạo nghiên cứu bổ sung sân bay thứ hai. Vị trí đặt sân bay này là điều mà nhiều người đang đặc biệt quan tâm...
Lãnh đạo Hà Nội vừa chỉ đạo nghiên cứu bổ sung sân bay thứ hai. Vị trí đặt sân bay này là điều mà nhiều người đang đặc biệt quan tâm...
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại hội thảo khoa học "Rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội".
Theo đó, ngoài yêu cầu nghiên cứu bổ sung sân bay thứ hai, ông Tuấn còn giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu việc phân bổ dân số và dự kiến phát triển các thành phố trực thuộc thành phố (TP Hòa Lạc, TP Bắc Sông Hồng...).
Trước đó, ngày 12/11, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã trình Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến 2030 cả nước có 28 sân bay, tổng công suất thiết kế 278 triệu hành khách một năm. Ngoài 22 sân bay hiện nay, có 6 sân bay mới, gồm: Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La), Quảng Trị, Phan Thiết, Long Thành. Đến năm 2050, có thêm Cao Bằng là cảng quốc nội. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị duy trì vị trí quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt để thay thế cho sân bay Cát Bi (Hải Phòng) sau năm 2030.
Ngoài 29 sân bay đã xác định vị trí, giai đoạn đến 2050, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai hỗ trợ cho Nội Bài về phía đông nam Hà Nội và một số sân bay tại các đảo, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Còn tại hội thảo khoa học “Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với phát triển đô thị Thành phố Hà Nội” tổ chức hôm 11/10, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, thành phố rất cần thiết có sân bay thứ hai đáp ứng quy hoạch 150 triệu hành khách/năm. Sơ bộ khảo sát, phương án ý tưởng sẽ đặt ở phía nam Hà Nội, nằm giữa vành đai 4 và 5, với quy mô 1.300ha.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các thành phố khoảng 10 triệu dân sẽ có 2 đến 3 sân bay. Nếu đến ngoài năm 2030 mới tính đến thì sẽ không có đất làm sân bay. Hà Nội sẽ nghiên cứu kỹ về đề xuất này trong thời gian tới.
Về vị trí sân bay thứ hai của Hà Nội, hồi tháng 7, Hà Nội đề xuất vị trí dự kiến quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2 tại khu vực huyện Ứng Hòa, khoảng cách đến Nội Bài khoảng 54km. Vị trí này sẽ thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ (cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, cao tốc phía Đông, đường vành đai 5 vùng Thủ đô, Quốc lộ 5, Quốc lộ 7A), đường sắt Thống Nhất và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường thủy (sông Hồng và cảng Phú Xuyên-Vạn Điểm).
Trả lời về đề xuất này, Bộ Giao thông vận tải cho biết các đơn vị đã phân tích kỹ và đánh giá vị trí ở Ứng Hòa rất khó khả thi bố trí sân bay mới trong mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho Nội Bài.
Các vị trí tiềm năng khác tại Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị kiến nghị thời điểm nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai vùng Thủ đô sau năm 2040.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu kiến nghị của thành phố Hà Nội và sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phục hồi, phát triển của hàng không sau đại dịch COVID-19 để có đầy đủ số liệu, cơ sở nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai vùng Thủ đô (gồm cả khu vực phía Đông, phía Nam Thủ đô và vùng lân cận), dự kiến sau giai đoạn năm 2030.