Thông tin Bộ Công Thương cho biết, hiện nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm dồi dào. Hàng hóa được cung cấp liên tục lên kệ hàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá bán các mặt hàng tại siêu thị, chuỗi được niêm yết theo quy định, giá cả ổn định, không tăng so với bình thường. Các đơn vị cũng tăng cường triển khai đặt hàng online, giao hàng tận nhà cho khách hàng.
Tại các chợ, trong ngày 8/8, lượng hàng hoá nông sản thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân. Lượng khách mua sắm tại chợ đông hơn do vào ngày mùng 1 và cuối tuần, tập trung chủ yếu vào buổi sáng. Người dân đến các chợ truyền thống chủ yếu để chọn mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau củ, trái cây, thịt, thủy hải sản). Giá cả các mặt hàng rau xanh tại chợ ổn định với ngày hôm trước, tăng trung bình khoảng 5-7% so với tuần trước.
Các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh như: tuyên truyền trên hệ thống loa của đơn vị; đo thân nhiệt, nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay trước khi vào mua sắm; phun tiêu độc khử trùng thường xuyên đối với khu vực sản xuất, kinh doanh, các phương tiện vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả các phương tiện giao hàng online; lắp đặt màn ngăn giọt bắn giữa nhân viên thu ngân và khách hàng…
Cũng theo Bộ Công Thương, các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch cao nhất trong những ngày giãn cách, duy trì lực lượng chốt tại các cổng chợ yêu cầu quét QR hoặc ghi danh, thực hiện 5K và phân luồng vào chợ một chiều, một số chợ thực hiện quây ni lông, tấm chắn tránh tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo giãn cách.
Một số quận, huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hà Đông, Đông Anh…) triển khai việc phát thẻ vào chợ cho người dân theo nguyên tắc chỉ được sử dụng thẻ để vào chợ mua các nhu yếu phẩm cần thiết theo quy định trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 17/CT-UBND; quy định giờ và ngày ra vào chợ, dùng cho 01 người/lượt.
Bên cạnh đó, nhằm cung ứng đầy đủ các mặt hàng, nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phục vụ nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo sinh hoạt hàng ngày của người dân trên địa bàn, một số quận đã triển khai các hình thức bán hàng lưu động.
Ngày 08/8, quận Ba Đình triển khai thêm 01 điểm bán hàng lưu động do Công ty Hương Việt Sinh tổ chức. Toàn Thành phố có 18 địa điểm bán hàng lưu động, đó là Hai Bà Trưng 03 điểm; Long Biên 04 điểm; Ba Đình 04 điểm, Nam Từ Liêm 04,... Ngoài ra, quận Nam Từ Liêm phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Việt tuyên truyền người dân đặt hàng qua App, chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp với Công ty nhận hàng tại 01 địa điểm và chuyển hàng đến các hộ dân đã đặt hàng.
Cũng theo Bộ Công Thương, từ nay đến ngày 23/8 Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội nên việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân là yêu cầu bức thiết. Thực tế cho thấy, các siêu thị đã xây dựng phương án đa dạng nguồn hàng, tránh tình trạng “đứt gẫy” nguồn cung.
Theo đó, ngành Công Thương Hà Nội cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng. Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…
Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tổ chức 8.649 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Đặc biệt, một số quận huyện, doanh nghiệp đã tăng cường mở thêm các điểm bán như hệ thống VinShop đã đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên toàn thành phố. Đặc biệt quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa…đã tổ chức điểm bán hàng lưu động. Đồng thời Sở Công Thương Hà Nội sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.
Để thuận tiện cho việc tập kết hàng hoá thiết yếu Sở Công Thương đang tìm các nơi đất trống, bến xe đang dừng hoạt động, sân vận động hay các chợ chưa hoạt động hết công suất... tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội, để làm nơi trung chuyển hàng hoá, giãn cách cho các chợ đầu mối đang tạm đóng; hoặc chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.