Theo Goldman Sachs, những nhà đầu tư hy vọng vào một năm 2023 sẽ tốt đẹp hơn có thể phải thất vọng nhiều bởi giới phân tích của ngân hàng này cho biết, giai đoạn thị trường gấu vẫn chưa kết thúc.
Theo Goldman Sachs, những nhà đầu tư hy vọng vào một năm 2023 sẽ tốt đẹp hơn có thể phải thất vọng nhiều bởi giới phân tích của ngân hàng này cho biết, giai đoạn thị trường gấu vẫn chưa kết thúc.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý: “Thị trường vẫn chưa đạt được các điều kiện điển hình để tạo đáy. Để thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi thực sự, lãi suất phải đạt đỉnh và định giá phải giảm xuống để phản ánh suy thoái”.
Các chiến lược gia ước tính rằng chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm 2023 ở mức 4.000 điểm, chỉ cao hơn 0,9% so với mức đóng cửa phiên đầu tuần 21/11. Trong khi đó, chỉ số Stoxx Europe 600 ở châu Âu sẽ kết thúc năm tới cao hơn 4% so với phiên hôm qua, đạt ngưỡng 450 điểm.
Bên cạnh đó, trong những ngày gần đây, một vài chỉ số chứng khoán toàn cầu đã bước vào vùng thị trường giá lên nhờ dữ liệu lạm phát Mỹ thấp hơn dự kiến và các thông tin về việc Trung Quốc nới lỏng hạn chế liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Sự phục hồi mạnh mẽ kể từ giữa tháng 10 đem đến tâm trạng phấn khởi cho nhà đầu tư sau một năm đầy biến động đối với thị trường toàn cầu khi các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất mạnh mẽ để chế ngự lạm phát tăng cao.
Thế nhưng, các chiến lược gia của Goldman cho biết, đà tăng trưởng trên là không bền vững bởi chứng khoán thường không phục hồi từ đáy cho đến khi tốc độ sụt giảm của tăng trưởng kinh tế và thu nhập doanh nghiệp chậm lại. Song, những chiến lược gia cũng cảnh báo rằng: “Thị trường chứng khoán có thể sẽ biến động và đi xuống trong ngắn hạn”.
Ông Michael Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley, cũng đưa ra dự báo tương tự.
Hôm 21/11, ông lặp lại quan điểm chứng khoán Mỹ sẽ kết năm 2023 với mức điểm gần như bằng hiện tại, nhưng sẽ vẫn phải trải qua nhiều biến động lớn, bao gồm giai đoạn sụt giảm mạnh trong quý I/2023.
Ngoài ra, ông Wilson cũng dự kiến chỉ số S&P 500 có thể rớt xuống mốc 3.000 điểm trong ba tháng đầu năm tới – thấp hơn tới 24% so với hiện tại. Ông giải thích: “Thị trường vẫn chưa phản ánh vào giá rủi ro lợi nhuận và đây sẽ là yếu tố kéo thị trường đi xuống mức thấp hơn hẳn”.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng có chung quan điểm với Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Ông John Stoltzfus, CEO của Oppenheimer Asset Management, cho biết: “Ba đợt phục hồi ở mức hai con số trong năm nay của S&P 500 cho thấy, tuy 2022 là một năm tồi tệ trên sàn chứng khoán nhưng thị trường vẫn đủ sức bền để bật tăng mạnh mẽ trong năm 2023”.
Trong khi đó, các chuyên gia của Goldman Sachs kỳ vọng chứng khoán châu Á sẽ vượt trội trong năm tới. Họ dự báo chỉ số MSCI Châu Á-Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, sẽ tăng 11% trong năm 2023, đạt 550 điểm.
Nhóm chuyên gia của Citigroup trở nên lạc quan hơn về chứng khoán Trung Quốc khi họ tin rằng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được cải thiện nhờ việc Bắc Kinh nới lỏng chính sách zero-Covid và hỗ trợ thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh thị trường gấu vẫn tiếp diễn, Goldman Sachs khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các công ty chất lượng có bảng cân đối kế toán vững mạnh và biên lợi nhuận ổn định, cũng như các cổ phiếu năng lượng và tài nguyên bởi chúng có ít rủi ro định giá.