Để có cái nhìn sâu hơn về lạm phát, nhà đầu tư hướng sự chú ý tới số liệu bán lẻ tháng 10, dự kiến được Cục Thống kê dân số Mỹ (Cencus Bureau) công bố vào ngày mai 16/11. Đây sẽ là thống kê kinh tế quan trọng nhất trong tuần này.
Để có cái nhìn sâu hơn về lạm phát, nhà đầu tư hướng sự chú ý tới số liệu bán lẻ tháng 10, dự kiến được Cục Thống kê dân số Mỹ (Cencus Bureau) công bố vào ngày mai 16/11. Đây sẽ là thống kê kinh tế quan trọng nhất trong tuần này.
Thị trường cũng đặc biệt quan tâm đến báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 của các hãng bán lẻ lớn gồm Walmart, Target và Home Depot.
Về phần mình, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group cho biết sẽ theo dõi thêm kết quả khảo sát về ngành sản xuất ở New York để cập nhật tình hình về giá cả. Ngoài ra, một báo cáo quan trọng khác sẽ được công bố vào ngày thứ Năm, là khảo sát về ngành sản xuất ở Philadelphia.
“Đó sẽ là những báo cáo chủ chốt, ngoài dữ liệu về bán lẻ”, ông Boockvar nói. “Tôi cho rằng câu chuyện về lạm phát sẽ tiếp tục chiếm lĩnh các tít báo, dòng tin tức trên thị trường, và tác động đến triển vọng chính sách tiền tệ của Fed”.
Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến vào hôm nay giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là một sự kiện được báo giới quan tâm.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 ở Phố Wall đang dần khép lại. Tuần này, Walmart và Home Depot sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào ngày mai, còn Target công bố vào thứ Tư tới.
“Kết quả kinh doanh của Walmart chắc chắn là một thước đo quan trọng về sức khoẻ của người tiêu dùng. Sẽ rất thú vị để theo dõi xem biên lợi nhuận của Walmart ra sao khi lạm phát leo thang", chiến lược gia trưởng Art Hogan của National Securities nhận xét.
Giá cả tăng cao đã gây áp lực lên doanh nghiệp ở Mỹ trong tất cả các lĩnh vực, và sau một thời gian “gồng mình” gánh chi phí, nhiều công ty đã buộc phải tăng giá hàng hoá - dịch vụ để đẩy bớt chi phí về phía người tiêu dùng.
Theo dữ liệu công bố vào cuối tuần trước, người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng lo lắng về việc giá cả tăng cao. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 11 do Đại học Michigan thực hiện đã giảm còn 66,8 điểm, mức thấp nhất trong 10 năm, từ mức 71,7 điểm trong tháng 10.
“Điều quan trọng là nhìn vào những gì người tiêu dùng làm, thay vì những gì họ nói”, ông Hogan nói. Ông dự báo doanh thu bán lẻ tháng 10 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 0,7% đạt được trong tháng 9.
“Xu hướng mà chúng tôi chờ đợi là các số liệu kinh tế tiếp tục tốt lên”, ông Hogan phát biểu.
Dữ liệu công bố trong tuần trước cho thấy tình hình lạm phát ở Mỹ ngày càng “nóng”, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) đều cao hơn dự báo. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,2%, mức tăng cao nhất 3 thập kỷ.
Con số lạm phát cao khiến chứng khoán Mỹ đứt chuỗi tăng 5 tuần, với chỉ số S&P 500 giảm 0,3% trong cả tuần.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh do nhà đầu tư đặt cược rằng Fed có thể buộc phải tăng lãi suất sớm để chống lạm phát. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt tuần ở ngưỡng 1,57%.
Nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong S&P 500 trong tuần trước là nhóm nguyên vật liệu thô – một nhóm được mua nhiều do kỳ vọng lạm phát cao. Nhóm này tăng 2,5%. Trái lại, giảm mạnh nhất là nhóm tiêu dùng không thiết yếu, bao gồm cổ phiếu các hãng bán lẻ, với mức giảm của cả nhóm gần 3,2%.
Tuy nhiên, ông Hogan dự báo chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục tăng. “Tôi nghĩ thị trường vẫn sẽ đi lên. Tin tốt là nhu cầu tiêu dùng không hề bị phá vỡ, mà chỉ bị trì hoãn”, ông cho rằng sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết và lạm phát sẽ dịu đi.