Theo VNDirect, giá lương thực toàn cầu tăng, các công ty sản xuất gạo và đường sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành đường còn được hưởng lợi từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá.
Theo VNDirect, giá lương thực toàn cầu tăng, các công ty sản xuất gạo và đường sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành đường còn được hưởng lợi từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá.
Theo FAO, chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng tới 2,1% trong tháng 3 vừa qua và ở mức cao nhất kể từ tháng 6 hồi năm 2014. Giá các mặt hàng gồm: Gạo, đường, dầu thực vật, lúa mì, ngô, bơ, sữa bột…đều tăng cao trong suốt gần 1 năm qua.
Cổ phiếu ngành gạo gặp thời
Tại thị trường trong nước, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá gạo xuất khẩu tăng tới 1,16% so với quý 4/2020, chủ yếu do Gạo thơm 5% tấm (bao 50kg) giá trung bình ở mức 549 USD mỗi tấn-FOB, tăng 19 USD mỗi tấn so với quý 4/2020; gạo 5% tấm (bao 50kg) giá trung bình 472 USD mỗi tấnFOB, tăng 18 USD mỗi tấn.
Cổ phiếu ngành gạo như LTG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) được đánh giá triển vọng nhờ giá gạo tăng cao.
Trong năm 2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của LTG đạt 7.142 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 317 tỷ đồng, tăng 22% so với năm ngoái. Trong đó, riêng mảng gạo doanh thu tăng nhẹ 6% đạt 1.783 tỷ đồng nhờ quý 4/2020 công ty đẩy mạnh bán hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Các công ty chứng khoán đều nhận định triển vọng tích cực với LTG. Cụ thể, VnDirect cho rằng, LTG đã có các đơn hàng cố định trong nước và quốc tế vào tháng 2, tháng 6 và tháng 9 hàng năm. Do đó, kỳ vọng giá gạo thế giới tăng sẽ hỗ trợ cho doanh thu xuất khẩu của công ty và cải thiện biên lợi nhuận mảng gạo. Bên cạnh đó, trong năm nay, LTG sẽ tập trung vào các đơn hàng xuất khẩu sang EU với mặt hàng gạo thơm Jasmine 85 để được hưởng ưu đãi thuế 0% trong khuôn khổ hiệp định EVFTA.
Dẫn lời báo Thanh Niên, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết: “Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo nên vấn đề lương thực thế giới khan hàng là lợi thế của chúng ta. Cơ hội xuất khẩu gạo được nhiều hơn, giá tốt hơn là có. Tính hết quý 1/2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này chứng tỏ, giá trị xuất khẩu gạo Việt đang theo kịp giá thế giới và sẽ không bị rớt lại đằng sau như chúng ta từng lo ngại”.
Thiên thời địa lợi của ngành đường
Trong xu hướng chung toàn cầu, giá đường tại Việt Nam đã tăng 31,8% so với đầu năm 2021 theo giá lương thực thế giới. VNDirect kỳ vọng các công ty sản xuất gạo và đường sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành đường còn được hưởng lợi từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá.
Phân bón cũng hưởng lợi
Xu hướng giá lương thực dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm nay bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao. Giá lương thực trên đà tăng mạnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp gạo, đường ở Việt Nam hưởng lợi trực tiếp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành phân bón như DCM, DPM cũng được hưởng lợi khi giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh làm tăng giá vốn hàng bán của phân bón, dẫn đến giá phân bón tăng đột biến gần đây tăng 30%. Tuy nhiên, giá lương thực cao hơn giúp nông dân có đủ khả năng chi trả khi giá phân bón tăng.