Mới đây, nhiều hãng tin nước ngoài đã đưa tin về việc lần đầu tiên Việt Nam ký hợp đồng với Ấn Độ mua 70.000 tấn gạo 100% tấm với giá 310 USD/tấn, chưa bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm. Rất nhiều bạn đọc tỏ ra ngạc nhiên tại sao một nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam lại nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ.
Để trả lời cho câu hỏi tại sao Việt Nam lại phải nhập khẩu gạo từ Ấn độ, Chủ tịch hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông B.V. Krishna Rao đã chia sẻ rằng do nguồn cung gạo tại châu Á đang bị thắt chặt và khả năng cao là giá gạo sẽ tăng mạnh trong năm 2021. Nhiều khách hàng mua gạo truyền thống đã chuyển sang mua gạo từ Ấn Độ thay vì Việt Nam hay Thái Lan. Do giá thành rất rẻ và số lượng lại nhiều, vì vậy Việt Nam đã lựa chọn mua gạo của Ấn Độ. Thậm chí Việt Nam có thể mua nhiều hơn số đã ký nếu có giá tốt hơn.
Theo tờ Bangkok Post, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng đã bắt đầu mua gạo từ Ấn Độ do nguồn cung từ phía Việt Nam, Thái Lan và Myanmar đang bị thắt chặt. Đây là động thái nhập khẩu gạo Ấn độ đầu tiên của Trung Quốc sau 3 thập niên.
Hiện tại gạo tấm 5% của Việt Nam được chào bán với giá 500-505 USD/tấn cao hơn rất nhiều so với mức giá 381-387 USD của Ấn độ. Tuy nhiên, mức giá này vẫn được phía Philippines chấp nhận mua dù đây là mức giá cao nhất trong vòng hơn 9 năm qua.
Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ để phục vụ chăn nuôi
Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Nguyễn Trung Kiên chia sẻ, đây đúng là lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, tuy nhiên không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Ông cho biết, giá gạo tấm sản xuất tại Việt Nam cao hơn so với giá gạo nhập khẩu từ Ấn Độ, điều này khiến cho các doanh nghiệp cần nguyên liệu chế biến lựa chọn gạo từ Ấn Độ thay vì gạo sản xuất tại Việt Nam, bởi lẽ ở đâu bán giá rẻ, giá thấp hơn thì họ mua. Mặt khác, nguồn gạo tấm chất lượng thấp để làm thức ăn chăn nuôi thì hầu như Việt Nam không sản xuất, vài năm gần đây ngành lúa gạo đã chuyển đổi sang sản xuất gạo chất lượng cao có lợi ích về mặt kinh tế nhiều hơn.
Hiện tại loại gạo 100% tấm của Việt Nam xuất khẩu cũng có giá 450 USD/tấn, cao hơn gạo tấm từ Ấn Độ tới 140 USD/tấn. Vì vậy không khó hiểu khi các doanh nghiệp sản Việt Nam có nhu cầu sử dụng gạo tấm chất lượng thấp lựa chọn nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.
Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, ông Nguyễn Thành Long cũng cho rằng không có gì ngạc nhiên trước thông tin Việt Nam nhập gạo tấm từ Ấn Độ. Lý do là gạo tấm trong nước bán giá cao, nguồn cung không đủ cầu, còn gạo tấm Ấn Độ nhập về giá rẻ hơn, vì vậy các doanh nghiệp mua để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là câu chuyện bình thường của thị trường.
Theo ông Long phân tích, Việt Nam tuy là nước xuất khẩu gạo, tuy nhiên không có nghĩa là Việt Nam sẽ không cần nhập khẩu gạo. Rất nhiều loại gạo nước ngoài như gạo Thái Lan, Campuchia hay nếp Lào đều được nhập khẩu vào nước ta để phục vụ nhu cầu sử dụng của thị trường. Không ít người tiêu dùng của Việt Nam ưa thích lựa chọn ăn đa dạng nhiều loại gạo khác nhau.
Một số công ty xuất nhập khẩu gạo tại TP. HCM cho biết, gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc nấu bia. Ngoài ra các sản phẩm như cơm tấm, bánh, bột, phở... cũng dùng gạo Ấn để sản xuất vì giá thành rẻ.