Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 8/8, bao gồm: VND, VPB, STK.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 8/8, bao gồm: VND, VPB, STK.
Duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu VND
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC
Thu nhập từ nghiệp vụ môi giới quý 2/2022 của CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE - Mã: VND) đạt 138 tỷ đồng (-39% QoQ / +13% YoY), trong khi đó doanh thu từ phí môi giới là 330 tỷ đồng (-29% QoQ / -11% YoY). FSC ước tính phí môi giới gộp của VND đạt 16 điểm cơ bản (bp) trong quý 2/2022 (+1bp QoQ & YoY), phí môi giới ròng ước tính là 6bp (-2bp QoQ / +1bp YoY).
Các số liệu trên được ước tính theo giá trị giao dịch quý 2/2022 và thị phần của VND trên HSX (8,0%), HNX, (10,2%), và UPCom (10,5%). Những con số thị phần này cho thấy VND tập trung phát triển mảng khách hàng cá nhân nhiều hơn so với các công ty chứng khoán khác thuộc danh sách khuyến nghị của FSC.
Không quá bất ngờ khi công ty ghi nhận lỗ tự doanh -6 tỷ đồng. Lãi ròng đã ghi nhận là 278 tỷ đồng (+77% QoQ / +207% YoY), về cơ bản đã đủ bù đắp cho khoản lỗ chưa ghi nhận là -284 tỷ đồng trong quý 2/2022. Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng mạnh, đạt 21,2 nghìn tỷ đồng (+35% QoQ / 11x YoY) trong quý 2/2022, tương đương chiếm 48% tổng tài sản, đây là mức tỷ lệ cao nhất kể từ quý 1/2017.
Lãi từ cho vay ký quỹ (-9% QoQ / +73% YoY) tăng mạnh và đạt 423 tỷ đồng, đây là khoản mục có đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận trước thuế. Dư nợ cho vay ký quỹ đạt 11,7 nghìn tỷ đồng (-32% QoQ / +25% YoY), chiếm 26% tổng tài sản tính đến cuối quý 2/2022. Dựa trên bình quân dư nợ ký quỹ cuối kỳ, FSC ước tính lãi suất cho vay trung bình quý 2/2022 đạt 11,8% (+40bp QoQ / -50bp YoY).
FSC duy trì khuyến nghị MUA đối với VND sau khi nâng khuyến nghị ngành lên tích cực vào ngày 27/06. Sự dịch chuyển từ cho vay ký quỹ sang tự doanh của VND trong quý 2/2022 cho thấy tiềm năng khi thị trường được kỳ vọng sẽ phục hồi vào 2H22 (và thị trường thực sự đã bắt đầu bước vào xu hướng tăng).
VND chú trọng phát triển mảng khách hàng cá nhân nhiều hơn so với các công ty chứng khoán khác mà FSC theo dõi. Mặc dù ngành chứng khoán có sự cạnh tranh gay gắt nhưng VND vẫn hoạt động rất tốt với mức định giá cao hơn so với ngành, mà FSC cho rằng điều này sẽ tiếp tục kéo dài. Giá mục tiêu của FSC tương ứng với P/B 2022E đạt 2,6x, P/E 2023E đạt 9,7x, và tương ứng với mức sinh lời trong 12T là +29%.
Xem thêm: VNDirect: 5 nhóm ngành tiềm năng trong nửa cuối năm 2022
Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 43.600 đồng/cp
CTCK KB Việt Nam - KBSV
Quý 2/2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE - Mã: VPB) đạt 10.466 tỷ đồng (+5,8% QoQ, +13,4% YoY); Thu nhập ngoài lãi đạt 2.821 tỷ đồng (-66,3% QoQ, +0,2% YoY). Chi phí trích lập dự phòng lên mức cao nhất, đạt 5.586 tỷ đồng (+35,2% QoQ, +33% YoY) khiến lợi nhuận trước thuế quý 2/2022 đạt 4.177 tỷ đồng (-62,5% QoQ, -17% YoY). Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 15.323 tỷ đồng, tăng 69,6% YoY.
Tăng trưởng tín dụng quý 2/2022 tiếp tục được đẩy mạnh tăng 29% YoY và 13,6% YTD. Hoạt động tín dụng của VPB tiếp tục tập trung vào khối Bán lẻ & SME với tỷ trọng nhóm này đạt 61,1% trên tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng mẹ trong quý 2/2022, tăng 4,2% điểm YoY.
Tỷ lệ nợ xấu quý 2/2022 đạt 5.25%, tăng 42bps QoQ, chủ yếu tăng ở nợ nhóm 5 (+74bps QoQ). Trong kì, VPB trích lập dự phòng 5.586 tỷ đồng (+35,2% QoQ, +33% YoY); Tỷ lệ bao phủ nợ xấu 62%, giảm 162bps QoQ.
Tiến độ phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu tương đương 15% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài bị chậm hơn dự kiến do các diễn biến tiêu cực trong nước cũng như quốc tế. VPB vẫn kỳ vọng có thể hoàn thành thương vụ này trong năm 2022.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 43.600 đồng/cp.
Khuyến nghị xuống trung lập đối với STK với giá mục tiêu 52.800 đồng/CP
CTCK VNDirect - VND
Lạm phát gia tăng và tình trạng thắt chặt tài chính đã phủ bóng đen lên nền kinh tế Mỹ và châu u, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu thế giới kể từ quý II/2022. Chúng tôi cho rằng nhu cầu về các loại quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế (có mức giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa sau năm 2022. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 8,5%/4,3% dự phóng doanh thu của CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK) năm 2022-2023 nhằm phản ánh nhu cầu sụt giảm trong thời gian tới.
Chúng tôi kỳ vọng STK có thể duy trì biên lợi nhuận gộp vào năm 2022-2023 nhờ giá chip PET hạ nhiệt trong quý IV/2022 và tập trung bán các sợi nguyên sinh “AAA” và sợi tái chế. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng 2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 27,2% so với cùng kỳ trong dự báo trước đó.
Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng 2023 sẽ tăng 29,3% so với cùng kỳ trong năm 2023 nhờ giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn; và đóng góp doanh thu từ nhà máy Unitex.
Sau giai đoạn tạm hoãn năm 2021 do giãn cách xã hội, chúng tôi lạc quan về tiến độ xây dựng của nhà máy Unitex trong năm 2022. STK đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng và hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết với các cơ quan chức năng.
Giai đoạn 1 của nhà máy Unitex sẽ được chạy thương mại từ cuối quý III/2023, chậm hơn 2 tháng so với dự phóng trước đó. Chúng tôi kỳ vọng giai đoạn 1 của nhà máy sẽ chạy với 30% công suất vào năm 2023 với sản lượng 10.800 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ tổng sản lượng trong năm 2023.
Do đó, chúng tôi hạ giá mục tiêu xuống trung lập với giá mục tiêu thấp hơn 52.800 đồng/CP với EPS 2022-23 lần lượt là 3.685 đồng/CP và 4.764 đồng/CP, P/E mục tiêu 12,5x.
Chúng tôi hạ khuyến nghị xuống trung lập do STK sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn. Tiềm năng tăng giá là doanh thu sợi tái chế và nguyên sinh cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh hơn dự kiến.
Xem thêm: Ngân hàng VPBank rút gần 600 tỷ đồng nhằm “thâu tóm” bảo hiểm OPES