Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 4/7, bao gồm: HT1, VNM, PVT.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 4/7, bao gồm: HT1, VNM, PVT.
Khuyến nghị mua cổ phiếu HT1, giá mục tiêu 18.700 đồng/CP
CTCK BIDV - BSC
Công ty cổ phần xi măng VICEM Hà Tiên (HT1 – sàn HOSE) luôn có hiệu quả hoạt động vượt trội trong ngành xi măng nhờ lợi thế chi phí vận chuyển thấp.
Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ sẽ phục hồi dần về mức trước dịch trong năm 2022-2023 nhờ hưởng lợi từ đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và tình trạng cung nhỏ hơn cầu tại thị trường miền Nam; cùng biên lợi nhuận gộp năm 2022 giảm do giá bán tăng không đủ bù đắp đà tăng giá than.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt là 9.236 tỷ đồng (tăng 30,7% so với năm trước) và 380 tỷ đồng (tăng 2,7%) với giả định: sản lượng tăng 9%, biên lợi nhuận gộp giảm về 10,9% do giá than tăng 100% nhưng giá bán chỉ tăng 20%.
Năm 2023, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 9.160 tỷ đồng (giảm 1% so với năm trước) và 419 tỷ đồng (tăng 10,2%) với giả định: sản lượng tăng 4,4%, biên lợi nhuận gộp tăng lên 11,5% do giá than giảm 20% khi nguồn cung ổn định trở lại và giá bán tăng 5% do tình trạng dư cung trong nước.
BSC khuyến nghị mua cổ phiếu HT1, giá mục tiêu 18.700 đồng/CP, tương đương upside 20% so với giá ngày 30/06/2022 dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền (FCFF) với giả định HT1 sẽ tăng dần sản lượng về mức trước đại dịch và hoạt động ổn định ở mức công suất này.
Xem thêm: Vốn hóa HOSE “bốc hơi” hơn 1,15 triệu tỷ đồng trong quý 2
Đánh giá tích cực dành cho cổ phiếu VNM
CTCK KB Việt Nam – KBSV
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE - Mã: VNM) đang xếp thứ 36 về doanh thu trong mảng sữa cũng như nằm trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị toàn cầu (Brand Finance). Vinamilk duy trì vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam với thị phần duy trì trên 55%. Hệ thống đại lý rộng khắp cả nước với trên 200.000 đại lý trên toàn quốc. Ngoài ra, VNM đang quản lý 14 trang trại bò sữa đạt chuẩn quốc tế với hơn 160.000 con.
Về kết quả kinh doanh, quý 1/2022, doanh thu và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 13.940 tỷ và 2.266 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,3% và giảm 12,1% so với cùng kỳ: 1) doanh thu nội địa vẫn đạt 11.658 tỷ đồng, tăng 10,3% cùng kỳ; 2) biên lợi nhuận gộp giảm từ 43,6% xuống còn 40,5%.
Vinamilk đang nỗ lực tạo động lực tăng trưởng doanh thu mới bằng nhiều mục tiêu: 1) Gia tăng thị phần sữa tại Việt Nam thêm 0,5% lên mức 56% trong giai đoạn 2022 – 2026; 2) Dự án bò thịt với tổng mức đầu tư 500 triệu USD Mỹ giai đoạn 1 dự kiến hoạt động năm 2023 với khoảng 30.000 bò thịt/năm; 3) Mảng xuất khẩu kỳ vọng sẽ có bước phát triển mạnh trong những năm tới khi Vinamilk mở rộng thị trường sang 60 nước. Năm 2021, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 45.000 tấn, tăng 9,4%YoY.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sữa có sự gia tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021, cũng như 4 tháng đầu năm 2022 tạo áp lực làm giảm biên lợi nhuận gộp chung của các công ty trong ngành sữa. Tuy nhiên, điểm tích cực là giá nguyên liệu sữa đang có tín hiệu suy giảm và đi ngang trong 2 tháng gần đây. Điều này sẽ giúp hoạt động kinh doanh nửa cuối 2022 kỳ vọng có biên lợi nhuận gộp tốt hơn nửa đầu năm 2022.
Năm 2022, dự báo doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 63.628 tỷ và 10.788 tỷ đồng, tăng 4,4% và 2,4% cùng kỳ: 1) doanh thu nội địa và các chi nhánh ở nước ngoài lần lượt đạt mức tăng 4,7% và 25%, trong khi doanh thu xuất khẩu giảm khoảng 10%; 2) doanh thu tài chính tăng 5,5%YoY, đạt 1.281 tỷ đồng; 3) biên lợi nhuận gộp giảm từ 43,1% xuống 42% do áp lực chi phí nguyên liệu gia tăng.
EPS forward 2022 ở mức 5.162 đồng/cp, tương ứng P/E forward ở mức 14,3 lần, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. KBSV đánh giá tích cực dành cho VNM, bao gồm: 1) động lực tăng trưởng có thể cải thiện từ năm 2023 nhờ dự án bò thịt, cũng như đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và thị trường nước ngoài; 2) giá nguyên liệu kỳ vọng cải thiện tích cực nửa cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp; 3) nền tảng tài chính mạnh mẽ giúp VNM trụ vững trong khó khăn.
Trên quan điểm kỹ thuật, VNM đang trong xu hướng tăng ngắn hạn với sự cải thiện tích cực từ dòng tiền để hướng tới vùng kháng cự gần nhất quanh 80.000 đ/cp. Các chỉ báo RSI (15) và MFI (14) đang thể hiện tín hiệu tích cực, ủng hộ khả năng phục hồi tiếp tục của VNM.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PVT
CTCK KIS Việt Nam - KIS
Trong năm 2022, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 6.500 tỷ đồng (giảm 12,9% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 480 tỷ đồng (giảm 42,5%). Các mục tiêu này cho thấy thái độ thận trọng của Hội đồng quản trị trong bối cảnh bất ổn về chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, PVT thông thường đặt ra các mục tiêu thận trọng, trong khi đã thành công đạt được từ 117% -141% kế hoạch doanh thu và 149% -206% lợi nhuận sau thuế kế hoạch trong vòng 4 năm qua.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, PVT đạt 4.100 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, lần lượt hoàn thành 63% và 83% kế hoạch năm 2022.
Chúng tôi kỳ vọng PVT có thể vượt kế hoạch kinh doanh năm nay dựa trên chia sẻ của HĐQT về (1) khối lượng vận chuyển/hải lý tăng, phản ánh nhu cầu vận tải cao hơn; (2) nguồn cung tàu thấp đi do chi phí đóng tàu cao hơn. Hai tác nhân này giúp PVT duy trì mức cước vận chuyển cao trong năm 2022.
Năm 2021, PVT nắm giữ 100% thị phần vận chuyển dầu thô và LPG trong nước, đồng thời chiếm 30% thị phần vận tải xăng dầu trong nước.
Năm 2021, 80% đội tàu của công ty hoạt động trên các tuyến quốc tế, đóng góp 43% tổng doanh thu hợp nhất.
Công ty đặt mục tiêu đạt 3,560 tỷ đồng vốn điều lệ vào năm 2022F thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.
PVT hiện được giao dịch với TTM PE là 10.2x, thấp hơn PE trung bình 5 năm là 10.8x. Động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu PVT.
Xem thêm: Cảnh báo rủi ro khi tham gia sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến