Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 31/8, bao gồm: VCB, TCB, PVD.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 31/8, bao gồm: VCB, TCB, PVD.
Khuyến nghị mua cổ phiếu VCB, giá mục tiêu là 98.000 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam - KBSV
Quý II/2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB – sàn HOSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 12.797 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 5.942 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 49,9% so với mức nền thấp của quý II/2021, động lực chính đến từ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao đạt 18% và NIM duy trì ở mức 3,34%.
Tỷ lệ nợ xấu quý II/2022 đạt 0,61%, giảm 21 bps so với quý trước và giảm 14 bps so với cùng kỳ năm ngoái. VCB tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng nợ xấu trong quý II/2022 với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 506%.
6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 14,4% so với thời điểm đầu năm, VCB đã sử dụng gần hết mức tăng trưởng tín dụng 15% được Ngân hàng Nhà nước cấp cho vào đầu năm.
Chúng tôi kỳ vọng VCB sẽ được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao, và xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 15% lên 18%, nhờ chất lượng tài sản tốt cùng với việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp (chỉ chiếm 1% tổng tín dụng).
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCB. Giá mục tiêu là 98.000 đồng/CP, cao hơn 19,2% so với giá tại ngày 29/08/2022.
Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu TCB với giá mục 62.300 đồng/cp
CTCK VNDirect - VND
Thu nhập lãi thuần (NII) quý 2/2022 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE - Mã: TCB) tăng 18,3% svck dựa trên tăng trưởng tín dụng 20,8% svck và NIM ổn định (5,8%). Thu nhập ngoài lãi tăng 23,8% svck do doanh số bán bảo hiểm (+68% svck), bù đắp cho dịch vụ ngân hàng đầu tư giảm 23% svck.
Đáng chú ý, chi phí trích lập dự phòng giảm 56% svck (tỷ lệ chi phí tín dụng giảm từ 0,9% cuối năm 2021 xuống còn 0,3%) chủ yếu nhờ hoàn nhập nợ tái cơ cấu, theo đó LN ròng quý 2/2022 tăng mạnh 23,1% svck và LN ròng 6 tháng đầu năm 2022 tăng 24,1% svck lên 11.305 tỷ đồng, đạt 50% dự phóng của VND. Khả năng sinh lời ROA và ROE vẫn duy trì vị trí dẫn đầu ngành, lần lượt là 3,6% và 22%.
Chính phủ đã đặt mục tiêu kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) và giám sát chặt chẽ hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đang được sửa đổi nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường vốn. Do tỷ trọng cho vay BĐS và nắm giữ TPDN chiếm phần lớn trong danh mục tín dụng (lần lượt 67% và 11%), nhà đầu tư đã có những góc nhìn tiêu cực đối với TCB, dẫn đến giá cổ phiếu giảm mạnh 22% kể từ tháng 4/2022 (so với mức giảm khoảng 15% của toàn ngành ngân hàng).
VND vẫn tin rằng TCB có đủ khả năng để vượt qua những rủi ro trên nhờ nền tảng vững chắc với tỷ lệ an toàn vốn cao nhất toàn ngành (CAR: 15,7%) và chất lượng tài sản lành mạnh (NPL 0,6% và LLR 171,6% cuối quý 2/2022). Mặt khác,TCB đã đa dạng hóa danh mục tín dụng của mình: tính đến cuối quý 2/2022, dư nợ TPDN giảm 21,4% so với đầu năm trong khi cho vay cá nhân tăng 27% so với đầu năm (chiếm 46,6% so với mức 39,5% cuối năm 2021) chủ yếu nhờ cho vay mua nhà – phân khúc lợi suất hấp dẫn (chiếm 82% tổng cho vay cá nhân). Theo quan điểm của VND, điều này sẽ giúp TCB giảm thiểu rủi ro tín dụng cũng như chất lượng tài sản và duy trì NIM cao trong giai đoạn nửa cuối năm trở đi.
Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 62.300 đồng/cp. VND hạ dự báo tăng trưởng tín dụng của TCB từ 22%/20% xuống 13,5%/17% cho năm 2022-2023, tuy vậy LN ròng dự kiến vẫn tăng trưởng tốt 25%/18% nhờ NIM ổn định (5,6%) và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh.
Hiện TCB đang được định giá ở mức hấp dẫn chỉ 1,2 lần P/B dự phóng 2022, tương đương mức -1SD và thấp hơn 17% so với trung bình ngành dù ngân hàng vẫn duy trì nền tảng cơ bản vững chắc và khả năng sinh lời mạnh mẽ.
VND duy trì P/B mục tiêu là 2 lần nhưng giảm 1%/4% EPS 2022-23, từ đó hạ giá mục tiêu còn 62.300 đồng/cp (-6% so với giá mục tiêu cũ). Việc IPO công ty chứng khoán TCBS sẽ là một động lực tăng giá mạnh mẽ cho TCB.
Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến, (ii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến và (iii) khó khăn kéo dài trên thị trường BĐS và TPDN.
Xem thêm: Chứng khoán châu Á tăng giảm trái chiều
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu PVD
CTCK SSI - SSI
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD – sàn HOSE) không đạt như kỳ vọng. Thay vào đó, công ty công bố lỗ 149 tỷ đồng, do giá thuê ngày và hiệu suất hoạt động của giàn khoan JU (giàn khoan tự nâng) thấp hơn dự kiến. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kỳ vọng sẽ có sự cải thiện tích cực so với tình hình năm 2021 và xu hướng cải thiện này sẽ tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm 2022.
Thị trường khoan dầu trong khu vực đang ấm lên nhanh chóng kể từ lần báo cáo gần nhất của chúng tôi. Nhu cầu lớn từ Saudi Aramco đã giúp hiệu suất sử dụng và giá thuê ngày của giàn khoan trong khu vực tăng lên, đặc biệt là khi chúng tôi xem xét các hợp đồng dự kiến bắt đầu vào năm 2023.
Kết hợp phương pháp định giá DCF và hệ số P/B, cùng với việc hạ dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 và mốc thời gian triển khai Lô B được đẩy lùi sang năm 2024, chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm (từ 29.500 đồng/cổ phiếu) xuống 23.800 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi lặp lại khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu PVD. Cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/B năm 2023 là 0,9 lần và P/E dự phóng năm 2023 là 21 lần.
Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ tâm lý tích cực của thị trường với sự phục hồi của giá dầu Brent từ mức đáy hình thành gần đây, do giá cổ phiếu PVD thường có mối tương quan chặt chẽ với giá dầu trong ngắn hạn. Kỳ vọng lợi nhuận khả quan từ nửa cuối năm 2022 và giá thuê ngày cao hơn là những yếu tố hỗ trợ tích cực khác cho giá cổ phiếu.
Xem thêm: Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc do lo ngại lãi suất cao