Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hiện đang phải trải qua quý tăng trưởng tồi tệ nhất trong lịch sử khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ghi nhận sự giảm tốc lớn, hệ quả của chính sách phòng, chống đại dịch Covid nghiêm ngặt.
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hiện đang phải trải qua quý tăng trưởng tồi tệ nhất trong lịch sử khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ghi nhận sự giảm tốc lớn, hệ quả của chính sách phòng, chống đại dịch Covid nghiêm ngặt.
Trong quý thứ hai của năm, công ty thương mại điện tử Alibaba đã công bố mức tăng trưởng doanh thu đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Tencent - nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, mạng xã hội và trò chơi - lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm kể từ khi thành lập.
Tương tự, hãng thương mại điện tử JD.com cũng công bố mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong lịch sử và nhà sản xuất xe điện Xpeng phải đối mặt với khoản lỗ đáng kể.
Các doanh nghiệp nói trên hiện có tổng giá trị vốn hóa thị trường lên tới hơn 770 tỷ USD.
Trong quý II/2022, Trung Quốc chứng kiến sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid-19. Tính đến hiện tại, quốc gia này vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách zero-Covid, đi cùng là một loạt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt như phong tỏa và xét nghiệm diện rộng. Điển hình như Thượng Hải đã bị phong tỏa trong nhiều tuần.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II và điều đó đã tác động tiêu cực đến “sức mạnh” chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng. Song song đó, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch cắt giảm chi tiêu vào các mảng quảng cáo và điện toán đám mây.
Xem thêm: Alibaba bị đưa vào danh sách theo dõi hủy niêm yết chứng khoán tại Mỹ
Daniel Zhang, CEO của Alibaba, cho biết: “Doanh số bán lẻ giảm so với cùng kỳ năm ngoái do dịch bệnh bùng phát tại Thượng Hải. Mặc dù doanh số tháng 6 đã phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng còn tương đối chậm”.
Tencent, công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat, cũng chịu tác động không nhỏ từ chiến lược zero Covid. Doanh thu từ dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) tăng chậm hơn so với các quý trước do số lượng người dùng sử dụng dịch vụ thanh toán di động WeChat Pay ngày càng giảm.
Doanh thu quảng cáo trực tuyến cũng giảm mạnh do các công ty thắt chặt ngân sách.
JD.com cũng không ngoại lệ khi công bố mức tăng trưởng thấp kỷ lục trong nhiều năm qua cho dù khâu kiểm soát chuỗi cung ứng và hàng tồn kho quý II vẫn đạt hiệu quả.
Nhà sản xuất ôtô điện XPeng dự kiến sẽ bàn giao 29.000-31.000 xe trong quý III, thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Chủ tịch Xpeng Brian Gu cho biết, “lượng khách tới showroom giảm hẳn so với trước đây”.
Đặc biệt, những “gã khổng lồ” Internet của Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ trong thời kỳ đại dịch năm 2021 khi mọi người chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến như mua sắm và chơi game trong bối cảnh thành phố bị phong tỏa. Do đó, việc làm thế nào để doanh thu năm nay có thể vượt qua ngưỡng ấy trở thành bài toán đau đầu cho những người vận hành.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với “môi trường” quản lý chặt chẽ từ phía Chính phủ. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách cứng rắn hơn trong một số lĩnh vực từ trò chơi cho tới bảo vệ dữ liệu người dùng.
Vì thế, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với các năm trước đó, không ít nhà đầu tư tỏ ra thận trọng về triển vọng của lĩnh vực này.
Tariq Dennison, Giám đốc tài sản GFM Asset Management chia sẻ: “Tôi thấy đặc biệt chú ý tới sự xoay chuyển tình thế mà các công ty công nghệ lớn phải đối diện. Thời gian đầu, Covid-19 được dự báo sẽ mang lại không ít lợi ích cho lĩnh vực công nghệ khi người dân phần lớn ở nhà, và họ phải tìm tới hình thức mua sắm trực tuyến và các phương thức giải trí nhằm giải phóng sự bí bức”.
Xem thêm: Alibaba: Người dân Trung Quốc mạnh tay rút hầu bao khi thực hiện giãn cách xã hội