Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 31/8, bao gồm: CRE, NTP, APH, FPT.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 31/8, bao gồm: CRE, NTP, APH, FPT.
Công ty chứng khoán VNDirect – VND
Trong quý 2/2021, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (HOSE - Mã: CRE) ghi nhận doanh thu (DT) đạt 1.644 tỷ đồng (+277% svck) nhờ vào (1) DT mảng đầu tư thứ cấp tăng 845% so với cùng kỳ (svck) lên 1.292 tỷ đồng chủ yếu đến từ 2 dự án BĐS tại Hà Nội là Louis City và Hinode Royal Park; (2) DT mảng môi giới tăng 82% svck lên 474 tỷ đồng với số lượng giao dịch BĐS tăng 120% svck.
Tuy nhiên, biên LN gộp Q2/21 chỉ đạt 16,7%, giảm mạnh sv mức 41,2% trong Q2/20 do tỷ trọng doanh thu lớn hơn của mảng đầu tư thứ cấp (chỉ đem lại biên lợi nhuận gộp 15,1% trong 6T21) và biên lợi nhuận gộp mảng môi giới thấp hơn. CRE đang đẩy mạnh chiến lược cạnh tranh phí môi giới BĐS nhằm giành được nhiều thị phần hơn.
Kết quả là lợi nhuận ròng Q2/21 tăng 40,7% svck lên 127 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, công ty đạt 3.685 tỷ đồng doanh thu (+422% svck) và 250 tỷ đồng lợi nhuận ròng (+87% svck), tương đương 70% dự phóng cả năm của VND.
Chính phủ đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ kể từ đầu tháng 7/2021, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động môi giới BĐS trong Q3/21, và có thể sẽ kéo dài đến Q4/21. Do đó, VND giảm dự phóng số lượng giao dịch môi giới của CRE năm 2021 xuống 9.024 đơn vị (+7% svck), giảm 28% so với dự phóng trước đó. Tuy nhiên, VND kỳ vọng thị trường BĐS sẽ ấm dần kể từ Q4/21 trở trong bối cảnh lãi suất vay mua nhà thấp. Trong năm 2022, số lượng giao dịch sẽ tăng mạnh 40% svck hỗ trợ doanh thu mảng môi giới của công ty tăng 37% svck lên 1.819 tỷ đồng.
Dù mảng môi giới kém khả quan hơn trong năm 2021, VND vẫn tăng dự phóng doanh thu mảng đầu tư thứ cấp trong năm 2021-22 lên 61,1%-44,5% nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6T21. Louis City và Hinode Royal Park sẽ tiếp tục là các dự án dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2022. Do đó, doanh thu năm 2021 sẽ tăng mạnh 141,5% svck, trước khi tăng 22,2% svck trong năm 2022. Trong khi đó, LNR của công ty sẽ tăng 40,5%-22,4% svck trong năm 2021-2022.
Do đó, VND duy trì khuyến nghị Trung Lập với giá mục tiêu cao hơn là 49.000 đồng/cp. Định giá của VND dựa trên sự kết hợp hai phương pháp với tỷ trọng bằng nhau (1) P/E mục tiêu 11x cho trung bình EPS 2021-22 và (2) P/B mục tiêu 1,7x cho trung bình giá trị sổ sách 2021-22. Tiềm năng tăng giá là quy mô của các dự án đầu tư thứ cấp lớn hơn kỳ vọng.
=> Xem thêm: Những tiêu chí lựa chọn cổ phiếu theo phương pháp CANSLIM
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi xác định giá mục tiêu cho NTP của CTCP Nhựa Tiền Phong là 51.300 đồng (tăng 2% so với mức tham chiếu ngày 27/08/2021) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, phản ánh kỳ vọng về kết quả kinh doanh thấp hơn trong quý III/2021 cũng như áp lực tăng giá của nguyên liệu đầu vào.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, NTP duy trì kết quả kinh doanh ổn định với doanh thu thuần tăng 6,4% so với cùng kỳ, đạt 2.395 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 32,3%, đạt 270 tỷ đồng. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của NTP đã giảm 6,34% xuống còn 26% so với nửa đầu năm 2020, do giá hạt nhựa đầu vào đã liên tục tăng từ đầu năm.
Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt giảm 56.2% và 21.8% so với cùng kỳ sau khi NTP mạnh mẽ cắt giảm chi phí và đồng thời giảm mức chiết khấu cho đại lý trong thời điểm đại dịch khiến tăng trưởng doanh thu thấp hơn.
Nợ ngắn hạn tăng 60,7% so với cùng kỳ trong khi hàng tồn kho đang ở mức cao - hơn 1.020 tỷ đồng, cao hơn 53,2% so với thời điểm cuối năm 2020. Giá nguyên liệu tăng đẩy giá thành phẩm của NTP cao hơn, công ty có xu hướng tích trữ thêm nguyên liệu để giảm ảnh hưởng từ giá đầu vào. NTP dùng nợ ngắn hạn như nguồn tiền để nhập nguyên liệu cho sx, mức tăng của nợ ngắn hạn tương ứng với mức tăng của hàng tồn kho.
Hệ số vòng quay khoản phải thu tăng lên 2,87 lần so với mức 2,46 lần của 6 tháng đầu năm 2020, thể hiện động thái cải thiện để giảm rủi ro chiếm dụng vốn từ khách hàng của công ty.
Quan điểm đầu tư: Giá hạt nhựa PP đầu vào đang có xu hướng chững lại nhưng giá hạt nhựa PVC và HDPE vẫn đang duy trì nhịp tăng, làm gia tăng chi phí sản xuất và thu hẹp biên lợi nhuận gộp của NTP.
Dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến bất thường làm đình trệ các dự án nhà ở và hạ tầng cơ sở, nhu cầu cho nhựa xây dựng cũng suy giảm theo.
Tuy tập trung vào nhóm khách hàng khu vực miền Bắc, NTP vẫn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhóm các doanh nghiệp nhựa miền Nam như đối thủ lâu năm BMP và các công ty mới phát triển mảng nhựa xây dựng như HSG, Tân Á Đại Thành.
Mức tăng giá bán của NTP trong thời gian vừa qua là khá lớn và tăng nhiều hơn BMP, giảm sức cạnh tranh về giá giữa thời điểm các doanh nghiệp xây dựng giảm tiến độ do giá nguyên vật liệu xây dựng đã tăng quá cao, đặc biệt là thép.
Rủi ro tới từ việc nhà máy không hoạt động hết công suất định mức bình thường, sẽ có một phần chi phí sản xuất chung không được phân bổ vào giá thành của thành phẩm hàng tồn kho mà sẽ ghi nhận thẳng vào chi phí sx chung trong kỳ, làm tăng chi phí trong kỳ.
=> Xem thêm: Năm 2021 nên mua cổ phiếu nào tiềm năng năng để đầu tư dài hạn?
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu APH của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings đang hình thành xu hướng hồi phục từ ngưỡng đáy 45.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.
Đồng thời, đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và MA50; báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 53.7, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 67.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 47.0.
=> Xem thêm: Làn sóng biến thể Delta làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế châu Á
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Quý II/2021, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) duy trì tăng trưởng tích cực với doanh thu đạt 9.642 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 16,2%. Doanh thu tháng 7/2021 đạt 2.774 tỷ đồng, tăng 1%; lợi nhuận trước thuế tháng 7/2021 đạt 492 tỷ đồng, tăng 13,4%.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động cung ứng giải pháp, dịch vụ công nghệ tại thị trường châu Mỹ, mới đây FPT Software đã công bố thương vụ đầu tư vào Intertect International vốn là doanh nghiệp hoạt động 20 năm trong ngành cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Hiện tại FPT đã sở hữu trên 5% Intertect International, mức giá đầu tư hiện không được công bố.
Cả 3 mảng kinh doanh chính của FPT đều đang tăng trưởng ổn định và không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19. KBSV kì vọng FPT sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong nửa sau của năm 2021 và năm 2022.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu FPT. Giá mục tiêu là 104.300 đồng/CP, cao hơn 13,6% so với giá tại ngày 27/08/2021.
=> Xem thêm: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 31/8: Vn-Index hồi phục ngưỡng kháng cự 1.335 - 1.340 điểm