Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 29/4, bao gồm: VHC, HDB, PNJ.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 29/4, bao gồm: VHC, HDB, PNJ.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHC
CTCK Phú Hưng - PHS
Trong quý I/2022, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu thuần đạt 3.225 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái), động lực tăng trưởng đến từ các sản phẩm cốt lõi. Trong đó, tăng trưởng doanh thu tại thị trường trọng điểm như Mỹ đạt 161%, châu u 33% và Trung Quốc 47%. Lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, VHC lên kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 13.000 tỷ đồng (tăng 44% so với năm trước) và 1.600 tỷ đồng (tăng 45%).
Trong 2022, chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHC đạt 13.694 tỷ đồng (tăng 51% so với năm trước) và 1.644 tỷ đồng (tăng 49%). Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, chúng tôi đưa mức giá hợp lý cho cổ phiếu VHC 120.600 đồng/cổ phiếu, cao 35% so với mức giá hiện tại.
Dù cổ phiếu VHC đã tăng 64% từ đầu năm, chúng tôi vẫn khuyến nghị tiếp tục mua cổ phiếu VHC bởi năm 2022 là năm tăng trưởng tích cực của VHC nhờ đẩy mạnh xuất khẩu cộng hưởng với năng lực vượt trội của doanh nghiệp.
Rủi ro: (1) Rủi ro biến động giá nguyên vật liệu đầu vào; (2) Rủi ro biến động giá xuất khẩu; (3) Rủi ro giá cước tàu tăng cao; (4) Pha loãng giá cổ phiếu.
Xem thêm: BMP chi gần 111 tỷ đồng để trả cổ tức đợt 2 năm 2021
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu HDB với giá mục tiêu 35.900 đồng/cp
CTCK VNDirect – VND
VND đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (Sàn HOSE) với giá mục tiêu là 35.900 đồng/cp, dựa trên phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 15,2%; LTG: 3%) và P/BV năm 2022 là 1,9 lần. HDB đã xây dựng nên một mô hình kinh doanh với tỷ suất sinh lợi cao và bảng cân đối kế toán lành mạnh, giúp ngân hàng có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. VND kỳ vọng rằng HDB sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 22% trong giai đoạn 2022-24; bên cạnh đó triển vọng việc ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền mới sẽ là động lực tăng trưởng mạnh cho HDB trong thời gian tới.
HDB đã xây dựng hình ảnh là một ngân hàng bán lẻ tiêu biểu; tuy nhiên, khác với các ngân hàng khác, HDB đã đưa những dịch vụ của mình đến với những khách hàng ở khu vực đô thị loại 2/nông thôn – nơi có nhu cầu vay vốn lớn nhưng khả năng tiếp cận đến các dịch vụ tài chính vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, HDB cũng đã thiết lập cho mình một tệp khách hàng lớn thông qua mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp như VietJet, Vinamilk, Petrolimex… Nhờ vào chiến lược đúng đắn và khả năng quản trị rủi ro tốt, HDB đã ghi nhận những thành tựu trong 5 năm qua với tốc độ tăng trưởng kép tổng tài sản là 20% và lợi nhuận là 52,3%; thuộc top-5 các ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao nhất (NIM 4,4% và ROE 23,3%) và chất lượng tài sản tốt hơn các ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao (NPL 1,7% và LLR 70% so với mức bình quân ngành 2,9% và 61,7%).
VND kỳ vọng lợi nhuận (LN) ròng của HDB sẽ tăng 24%/22% trong 2022-23. Với tỷ lệ an toàn vốn cao 14,4% (trung bình ngành 9-12%); HDB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao bởi NHNN, ít nhất là 22% theo ước tính của VND. Bên cạnh đó, hoạt động phân phối bảo hiểm sẽ là nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thu nhập từ phí; và việc ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền mới trong thời gian tới sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho HDB.
HDB đang giao dịch tại P/BV 2022 là 1,5 lần – thấp hơn mức trung bình 5 năm và trung bình ngành là 1,9 lần trong khi khả năng sinh lời của ngân hàng đã vượt xa mức trung bình 5 năm (ROE 23%). VND tin rằng đợt giảm giá mạnh vừa qua là một cơ hội tốt để có thể tích lũy được cổ phiếu của một ngân hàng với tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng tài sản tốt như HDB. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến và nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.
Xem thêm: HOSE nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ
CTCK KB Việt Nam - KBSV
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2022 tăng trưởng 41,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10.143 tỷ đồng, hoàn thành 39,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 721 tỷ đồng (tăng 40,7%), hoàn thành 54,6% kế hoạch năm.
Doanh thu từ bán lẻ trang sức trong quý I/2022 của PNJ tiếp tục thể hiện tốt, tăng trưởng 43,2%, phù hợp với quan điểm gần nhất của chúng tôi là tệp khách hàng chính của PNJ là nhóm khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tổng quan quý I/2022, chúng tôi ước tính doanh thu trung bình/cửa hàng (Gold và Silver) của PNJ đạt 5,6 tỷ đồng/cửa hàng, cao hơn lần lượt 98% và 39% so với cùng kỳ 2020 và 2021.
Giai đoạn 2022-2025, PNJ dự kiến mở từ 30 đến 40 cửa hàng mỗi năm; Ban lãnh đạo Công ty cho biết đang đi tìm địa điểm nhằm đầu tư một nhà máy mới (dự kiến khởi công trong 2022) do các nhà máy hiện tại đã hoạt động 100% công suất. ĐHCĐ thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2021 với 2.000 đồng/CP và bằng cổ phiếu tỷ lệ 3:1.
Trong năm 2022, chúng tôi dự phóng kết quả hoạt động kinh doanh của PNJ với doanh thu thuần đạt 27.437 tỷ đồng (tăng 39,8% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.603 tỷ đồng (tăng 55,2%). Cho năm 2023, mức doanh thu thuần đạt 31.697 tỷ đồng (tăng 15,5% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế ở mức 2.046 tỷ đồng (tăng 27,5%).
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ, mức giá mục tiêu 140.000 đồng/CP, cao hơn 30,8% so với mức giá đóng cửa ngày 27/04/2022.
Xem thêm: Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Mỹ quý I/2022 bị kìm hãm