Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 26/8, bao gồm: PVS, DGW, DBC, VRE, POW, VTP.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 26/8, bao gồm: PVS, DGW, DBC, VRE, POW, VTP.
Công ty chứng khoán MB (MBS)
Trong 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực hoạt động của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX - Mã: PVS) cơ bản ổn định hơn do giá dầu tăng trở lại hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành dầu khí. Hoạt động cung cấp tàu chuyên dụng, khai thác vận hành kho nổi FSO/FPSO đảm bảo nhu cầu phát triển của các chủ thầu.
Lĩnh vực cơ khí dầu khí tuy có những khó khăn nhất định trong giai đoạn thấp điểm, các dự án hiện tại vẫn được thực hiện đúng tiến độ. Công ty cũng đã trúng thầu gói chế tạo chân đế giàn công nghệ trung tâm cho dự án tại Myanmar và tổng thầu EPCIC 2 giàn đầu giếng dự án Gallaf Batch3 với khôi lượng chế tạo 18.000 tấn, thực hiện từ Q2.2021-Q4.2023. Công ty cũng ký kết hợp đồng mới cung cấp và vận hành kho lạnh LPG với PVGas tại miền Bắc.
Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 5.677 tỷ đồng, bằng 65% cùng kỳ 2020 và đạt 57% kế hoạch năm. Điểm trũng hoạt động chế tạo cơ khí và doanh thu FPSO giảm svck là nguyên nhân chính dẫn đến doanh thu giảm mạnh (cùng kỳ 2020 lĩnh vực FPSO có doanh thu hồi tố từ FPSO Cá rồng đỏ và FPSO Lam Sơn).
Chi phí giá vốn hàng bán được kiểm soát tốt, dẫn đến lợi nhuận gộp 6 tháng không giảm, đạt 440 tỷ đồng bằng 101% svck 2020. Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ mức 5,0% lên 7,75%, trong đó lĩnh vực Căn cứ cảng và FSO/FPSO có biên lợi nhuận gộp cải thiện tốt nhất với lần lượt tăng 268% và 86%.
Lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết trong kỳ đạt 308 tỷ đồng, tăng mạnh 91% svck nhờ các liên doanh hoạt động ổn định, trong khi cùng kỳ 2020 công ty phải trích lập dự phòng cho CTLD Rồng Đôi_MV12.
Chi phí quản lý trong kỳ tăng mạnh 84% lên 429 tỷ đồng và không có khoản thu nhập từ hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình dẫn đến Lợi nhuận trước thuế giảm 29% svck, đạt 428 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, hoàn thành 61% kế hoạch năm.
Dự báo tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh cả năm 2021:
Kết quả kinh doanh quý I/2021 Trong nửa cuối năm 2021, chúng tôi đánh giá các lĩnh vực hoạt động cốt lõi của công ty vẫn đảm bảo ổn định, trong đó hoạt động FSO/FPSO tiếp tục là điểm sáng mang lại kết quả kinh doanh tốt cho công ty nhờ các liên doanh hoạt động ổn định. Lĩnh vực tàu chuyên dụng, khảo sát địa vật lý cũng được thực mở rộng với các hợp đồng mới cho năng lượng gió ngoài khơi và vận hành kho LPG trên biển.
Hoạt động chế tạo cơ khí có thêm hợp đồng mới, bên cạnh đó vẫn tập trung vào các dự án lớn như giàn Đại Nguyệt, dự án Gallaf, dự án Vopak-Galaxy Expansion Phase III, LNG Thị Vải, Tổ hợp hóa dầu miền Nam- gói A1... Hoạt động đấu thầu dự án mới vẫn tiếp tục thực hiện và chờ đợi kết quả dự thầu các dự án lớn khác như NT3&4 dự kiến tổ chức đầu thầu EPC vào cuối năm 2021 hay các dự án Nam Du U Minh, Lô B- Ô môn… cho kỳ trung và dài hạn.
MBS dự báo doanh thu năm 2021 có thể đạt mức 14.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 920 tỷ đồng, lần lượt bằng 82% và 90% của năm 2020.
Trong dài hạn 2021-2025, chúng tôi đánh giá tiềm năng phát triển của công ty còn rất lớn khi nhiều dự án lớn của ngành dầu khí sẽ được triển khai như: Lô B- Ô Môn, Nam Du –U Minh, Cá Voi Xanh, Báo Vàng,… các dự án trên bờ như LNG Thị Vải Mở rộng, LNG Sơn Mỹ, LNG Long An, dự án Đường ống Đông-Tây nam bộ, dự án điện khí NT3&4
Định giá cổ phiếu: Theo phương pháp chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu-FCFE, so sánh PE, PB ngành, giá trị cổ phiếu được xác định ở mức 25.600 đồng/cổ phần. MBS khuyến nghị giữ cổ phiếu PVS cho 12 tháng.
=> Xem thêm: Năm 2021 nên mua cổ phiếu nào tiềm năng năng để đầu tư dài hạn?
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Mức Stock Rating của DGW (CTCP Thế Giới Số - sàn HOSE) ở mức 97 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Nhờ vào kết quả kinh doanh quý 2/2021 duy trì tăng trưởng mạnh, DGW duy trì mức Điểm cơ bản gần 100 điểm. Đồng thời, nhu cầu laptop, điện thoại tăng mạnh trong bối cảnh làm việc và học online sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng mạnh cho DGW trong trung hạn.
Đồ thị giá của DGW đã xác lập mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn và trung hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu DGW.
=> Xem thêm: Warren Buffett áp dụng công thức định giá tài sản từ 2.600 năm trước
Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam với giá mục tiêu 75.800 đồng/CP trên cơ sở (i) DBC là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu miền Bắc và miền Trung với chuỗi sản xuất khép kín theo mô hình 3F, (ii) tăng trưởng gắn liền với triển vọng khả quan của ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi và chủ trương đầu tư mở rộng quy mô đàn lợn và nhà máy dầu thực vật giai đoạn 2 của doanh nghiệp, và (iii) đóng góp từ dự án bất động sản trong giai đoạn 2021 – 2022.
Tiêu điểm đầu tư: Triển vọng khả quan của ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Việt Nam được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn vào cuối năm 2021 trong khi sản lượng tiêu thụ gia cầm được dự báo đạt mức tăng trưởng bình quân 2,9%/năm (OECD).
Quy mô đàn lợn gia tăng cùng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm là động lực tăng trưởng chính cho ngành thức ăn chăn nuôi. Quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,06%/năm trong giai đoạn 2020 - 2025, theo USDA.
DBC chủ trương đầu tư mở rộng quy mô đàn lợn và Nhà máy dầu thực vật giai đoạn 2. DBC đang lên kế hoạch mở rộng quy mô đàn lợn với 4 dự án tại các tỉnh Bình Phước, Hòa Bình, Thanh Hóa và Phú Thọ, nâng tổng công suất thiết kế lên 56%, sản lượng lợn thương phẩm ước tính tăng 31% so với hiện tại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch đầu tư mở rộng Nhà máy dầu thực vật giai đoạn 2 khi giai đoạn 1 đã chạy 90% công suất thiết kế và sản phẩm nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng. Dự kiến cuối 2022 sẽ đưa vào hoạt động các dự án này.
Dự án Lotus Central đóng góp doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2021 – 2022. Theo ban lãnh đạo, dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ mang lại khoản doanh thu 845 tỷ đồng.
Sức khỏe tài chính lành mạnh. Nợ vay giảm dần từ 34% năm 2020 xuống còn 28% đến cuối tháng 6/2021. Khả năng bán hàng và quản trị dòng tiền tốt. Qua đó, khả năng chi trả cổ tức tiền mặt của doanh nghiệp cũng được cải thiện trong những năm gần đây với mức 1.500 – 2.00 đồng/CP.
Rủi ro khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ tăng và duy trì ở mức cao đến cuối năm trong khi giá lợn ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ.
Định giá: Chúng tôi xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu DBC vào khoảng 75.800 VNĐ dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 12,7 lần (theo EPS 2022F khoảng 5.963 đồng).
=> Xem thêm: Lời khuyên của Warren Buffett về đầu tư trong thời kỳ lạm phát cao
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP Vincom Retail (VRE) đồng thời giảm giá mục tiêu 7% xuống 36.200 đồng/CP khi giảm 32% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 của chúng tôi trong bối cảnh các gián đoạn do làn sóng dịch COVID-19 thứ tư được bù đắp một phần nhờ tỷ lệ nợ ròng thấp hơn vào cuối tháng 6/2021 so với cuối tháng 3/2021.
VRE báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2021 khả quan với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái), nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
Chúng tôi lưu ý rằng VRE đã chi 424 tỷ đồng cho gói hỗ trợ khách thuê trong nửa đầu năm 2021 so với 675 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 và tổng cộng 865 tỷ đồng cho cả năm 2020.
Chúng tôi điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 giảm 32% còn 1,8 nghìn tỷ đồng (giảm 25%) do tình hình dịch COVID-19 phức tạp ở các tỉnh/thành phố lớn tại Việt Nam kể từ cuối tháng 4, điều này sẽ dẫn đến gói hỗ trợ cao hơn cho khách thuê cũng như doanh số bán bất động sản thấp hơn trong nửa cuối 2021.
Chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng VRE sẽ bổ sung thêm 1,14 triệu m2 GFA cho thuê bán lẻ trong giai đoạn 2021-2024 vì 1) chúng tôi kỳ vọng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ giảm bớt vào tháng 9/2021, 2) Ban lãnh đạo VRE vẫn mong muốn duy trì kế hoạch mở trung tâm thương mại mới của năm 2021, và 3) 3 trung tâm thương mại dự kiến khai trương vào cuối năm nay đã đảm bảo tỷ lệ lấp đầy 60 -70%.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 9% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 xuống còn 3,1 nghìn tỷ đồng khi chúng chúng tôi dự báo chi phí cao hơn sau khi dịch COVID-19 giảm dần để thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm cùng với doanh số bán bất động sản thấp hơn. Tuy nhiên, dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2022 của chúng tôi tương ứng mức tăng trưởng 71% so với mức cơ sở thấp của năm 2021.
Định giá của VRE là hấp dẫn ở mức P/E 2021/2022 lần lượt là 35,9/21,0 lần (dựa trên dự báo của chúng tôi) so với mức trung bình P/E của các công ty cùng ngành trong khu vực cho các năm 2021/2022 là 34,1/24,3 lần (dựa trên dự báo chung của Bloomberg) và dự phóng của chúng tôi cho CAGR lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 21% đối với VRE giai đoạn 2020-2024.
Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Hạn chế kéo dài đối với hoạt động bán lẻ do sự xuất hiện trở lại của dịch COVID-19.
=> Xem thêm: Biến thể Delta 'phủ bóng đen' lên thị trường chứng khoán châu Á
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)
Cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP đang hình thành xu hướng hồi phục mạnh. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.
Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20, MA50; báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 11.25, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 13.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 10.5.
=> Xme thêm: Lời khuyên cho nhà đầu tư chứng khoán vượt qua thị trường có diễn biến phức tạp
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) khi chúng tôi tin rằng VTP sẽ được hưởng lợi từ sự bùng nổ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam trong dài hạn nhờ mạng lưới bưu chính rộng khắp, đầu tư vào công nghệ và các sáng kiến kinh doanh mới. Ngoài ra, những thay đổi tiềm năng về quy định quản lý có thể làm giảm bớt sự cạnh tranh về giá trên thị trường.
Chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm 2% do mức giảm 2% trong dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2023 khi (1) chi phí chuyển phát đang tăng mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến các gián đoạn liên quan đến hoạt động vận chuyển, hiệu suất lao động giảm và đơn hàng bị chuyển hoàn và (2) sản lượng chuyển phát trong 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi.
Giá mục tiêu của chúng tôi cho VTP tương ứng P/E trung bình giai đoạn 2021-2022 là 23,9 lần so với trung vị P/E trượt trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành là 27 lần.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 23% trong giai đoạn 2020-2023 nhờ (1) hiệu quả chi phí của VTP cải thiện, (2) tăng trưởng thương mại điện tử tăng tốc khi thu nhập của người tiêu dùng cải thiện sau khi các gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt và (3) đóng góp lớn hơn từ các mảng kinh doanh ngoài chuyển phát.
Rủi ro: Cuộc chiến giá kéo dài và ngày càng gay gắt trong ngành chuyển phát nhanh; chi tiêu tiêu dùng thấp hơn mong đợi; đầu tư không hiệu quả vào các lĩnh vực kinh doanh mới.