Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 1/11, bao gồm: HT1, PNJ, VSH.
Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 1/11, bao gồm: HT1, PNJ, VSH.
Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu HT1
CTCK Vietcombank - VCBS
Kết thúc 9M.2022, Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) ghi nhận DTT tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 6.603 tỷ đồng (31% yoy) và gần 204 tỷ đồng LNST (-35,6% yoy), hoàn thành lần lượt 84% và 51% KH 2022. Kết quả doanh thu tăng trưởng tích cực đến từ sản lượng hồi phục và giá bán tăng từ mức nền thấp của năm 2021 khi ngành xi măng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên LNST lại cho thấy con số kém khả quan khi giá than sản xuất đầu vào tăng mạnh. Cụ thể:
Sản lượng tiêu thụ 9M.2022 tăng trưởng tốt từ mức nền thấp của năm 2021: Sản lượng tiêu thụ xi măng của HT1 trong Q3.2022 đạt 1,7 triệu tấn (+56% yoy). Lũy kế 9M.2022, sản lượng tiêu thụ đạt 5 triệu tấn (+14% yoy), đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình tiêu thụ xi măng trong nước hồi phục từ mức nền thấp của 2021. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng cả nước trong 9M.2022 đạt 72,93 triệu tấn (-10% yoy), trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa tăng trưởng tốt đạt 47,31 triệu tấn (+5% yoy). Ở chiều ngược lại, sản lượng xuất khẩu xi măng chỉ đạt 24,71 triệu tấn (-28% yoy) khi nhu cầu tại Trung Quốc giảm mạnh.
Biên LNG giảm mạnh trong bối cảnh giá than sản xuất tăng cao: LNG trong 9M.2022 của HT1 đạt 10,3%, con số này giảm 4% so với cùng kỳ 9M.2021. Mặc dù đã điều chỉnh giá bán tăng 10% so với đầu năm 2022 tuy nhiên việc giá than tăng 80-100% (than chiếm tỷ trọng khoảng 50% giá thành) đã làm ảnh hưởng nặng nề tới biên lợi nhuận của HT1.
Qua trao đổi với doanh nghiệp, VCBS cho rằng HT1 đang trong giai đoạn khá khó khăn trong ngắn hạn và chưa có ý định đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới. Một số điểm chính như sau:
Giá than neo cao trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và nguồn cung thiếu hụt gây ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của công ty. Hiện nay công ty đang nhập than bởi các doanh nghiệp phân phối trong nước, tuy nhiên tại nhiều thời điểm xảy ra tình trạng thiếu hàng để sản xuất. Do nhu cầu tiêu thụ xi măng trong tương lai được dự báo không tích cực và tình hình cạnh tranh trong nước gia tăng mạnh do tình hình xuất khẩu kém thuận lợi, HT1 không có ý định tăng giá bán vì sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh.
Trong 9M.2022, sản lượng tiêu thụ của công ty vẫn tăng trưởng tốt và duy trì thị phần ở mức 32-33% trong bối cảnh ngành cạnh tranh cao và đầu ra sụt giảm. Nguyên nhân do công ty có vị thế lớn nhất tại khu vực miền Nam với thị trường tiêu thụ trải dài từ miền Trung tới miền Nam, ngoài ra các nhà máy nung được đặt ngay cạnh các mỏ đá vôi lớn giúp tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, công ty cũng chia sẻ sản lượng tiêu thụ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nguồn cung của thị trường bất động sản do chỉ chiếm 30% cơ cấu tiêu thụ, còn lại là 70% tới từ khu vực dân sinh với nhu cầu tăng trưởng bền vững. Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng sản lượng tiếp tục tăng trưởng 2 con số trong Q4.2022 và tăng trưởng 1 con số trong năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, công ty tập trung chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia với mức sản lượng khiêm tốn (2% tổng tiêu thụ) và chưa có kế hoạch đẩy mạnh. Ngoài ra, công ty không có kế hoạch xuất khẩu sang Trung Quốc hay đẩy mạnh thị trường miền Bắc vì thiếu lợi thế về địa lý so với các doanh nghiệp tại miền Bắc.
Hiện nay công suất thiết kế của HT1 vào khoảng 7,5 – 8 triệu tấn, do đánh giá tình hình tiêu thụ trong năm tới bất định nên HT1 đã hoãn kế hoạch mở rộng công suất trong năm nay. Bên cạnh đó, theo tính toán thì công suất đầu tư trong thời điểm hiện tại sẽ bị cao hơn rất nhiều do chi phí giá cả neo cao nên sẽ kém hiệu quả.
Năm 2022 là năm khó khăn cho ngành xi măng nói chung và HT1 nói riêng khi sản lượng tiêu thụ chịu áp lực giảm do thị trường xuất khẩu yếu và chi phí đầu vào tăng cao. Nhìn chung, kết quả kinh doanh trong các quý tới sẽ tiếp tục kém khả quan khi giá đầu vào vẫn neo cao. Do đó, VCBS dự báo DTT trong năm 2022 đạt 8.775 tỷ đồng (+24% yoy) và 259 tỷ đồng LNST (-30% yoy). Kết quả kinh doanh kỳ vọng sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm 2023 khi tình hình tiêu thụ có thể có biến chuyển tốt hơn khi nhu cầu từ Trung Quốc và giá than điều chỉnh.
VCBS dự báo DTT năm 2023 đạt 8.720 tỷ đồng (-1% yoy) khi sản lượng tiêu thụ tăng trưởng nhẹ và giá bán chịu áp lực giảm giá do nhu cầu tiêu thụ kém, tuy nhiên LNST đạt 433 tỷ đồng (+67% yoy) khi giá than điều chỉnh giảm. Sử dụng phương pháp định giá P/E với mức trung bình lịch sử 9x lần, VCBS ước tính giá trị hợp lý của HT1 là 10.200 đồng/cp tương ứng với EPS 2023F là 1.134 đồng/cp. VCBS khuyến nghị trung lập với cổ phiếu HT1.
Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ, giá mục tiêu 119.974 đồng/CP
CTCK Bảo Việt - BVSC
Chúng tôi giảm 14,9% giá mục tiêu theo DCF cho PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận xuống mức 119.974 đồng/CP (từ 141.000 đồng/CP trước đây), do: (1) giảm dự báo lợi nhuận, và (2) sử dụng WACC cao hơn (các giả định đầu vào là lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro vốn chủ sở hữu cao hơn).
Ở mức giá hiện tại, PNJ đang giao dịch tại mức P/Es là 14,1x (giữa-2023) và 13,6x (2023), so với trung bình 5 năm là 17,9x. Do lợi nhuận tăng đột biến trong năm nay, giá cổ phiếu PNJ đã tăng 9,1% YTD, outperform mạnh mẽ so với mức giảm 35,4% của VNIndex.
Chúng tôi ưa thích PNJ, với: (1) giá trị thương hiệu hàng đầu, (2) vị thế dẫn đầu thị trường cho phép hưởng lợi từ (i) xu hướng hợp nhất đang diễn ra của ngành, và (ii) sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam; và (3) tác động hạn chế từ lạm phát. Duy trì khuyến nghị Outperform.
MBS khuyến nghị mua cổ phiếu VSH
CTCK MB - MBS
MBS khuyến nghị MUA cổ phiếu VSH của Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh cho giá mục tiêu 12 tháng tới là ở mức 41.800 đồng/cp. MBS tin rằng cơ hội đầu tư trung và dài hạn vào cổ phiếu doanh nghiệp thủy điện là hấp dẫn khi giá thành thủy điện cạnh tranh tốt với nhiệt điện và năng lượng tái tạo ưu đãi.
Sản lượng điện 9 tháng tăng mạnh 66%: Sản lượng điện quý 3 đạt 616 triệu kwh (trkwh), lũy kế 9 tháng đạt 1.804 trkwh, tăng mạnh 50% và 66% so với cùng kỳ 2021 (svck). Trong đó, riêng sản lượng điện nhà máy Thượng Kon Tum lũy kế 9 tháng đạt 1.086 trkwh, tăng 104% svck nhờ nguồn nước tốt.
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý 3 lần lượt tăng 126% và 578%: Doanh thu quý 3 đạt 652 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 2.122 tỷ đồng, lần lượt tăng 126% và 131%. Lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 243 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 970 tỷ đồng, lần lượt tăng 578% và 459% svck. Lợi nhuận tăng mạnh do sản lượng điện và giá bán điện cùng tăng mạnh, giá bán điện trung bình của VSH trong 9 tháng đạt 1.182 đồng/kwh, tăng 29% svck.
Dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2022 tăng mạnh 69% và 74%: Trong năm 2022, nhờ nguồn nước về hồ tốt, bên cạnh đó giá bán điện thị trường cạnh tranh đạt mức cao, MBS dự báo sản lượng điện của công ty có thể đạt 2.525 trkwh, tăng 36%, Doanh thu và Lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.952 tỷ và 1.375 tỷ đồng, tăng mạnh 83% và 205% so với 2021.
Triển vọng hoạt động năm 2023 dự báo cơ bản ổn định sau một năm tăng trưởng đột biến dựa trên các yếu tố: 1) Các nhà máy hoạt động ổn định trong điều kiện nhu cầu điện tiếp tục tăng lên; 2) Công ty kiểm soát tốt dòng tiền và giảm nợ vay khi mua lại các khoản trái phiếu, nợ vay trước hạn làm giảm chi phí tài chính, gia tăng hiệu quả kinh doanh; 3) Giá điện tiếp tục ở mức cao khi các chi phí đầu vào sản xuất điện vẫn ở mức cao như than đá, khí đốt…; 4) Điều kiện thời tiết có thể không còn thuận lợi như năm 2022 khi dự báo thời tiết mùa với trạng thái La Nina gây mưa lớn sẽ cơ bản kết thúc vào cuối quý 1.2023.
Dự báo sản lượng điện năm 2023 của công ty có thể đạt mức 1.900 trkwh, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 2.224 tỷ đồng và 828 tỷ đồng, lần lượt bằng 75% và 60% của năm 2022.
Định giá: Kết hợp phương pháp định giá DCF và so sánh PE, PB giá trị cổ phiếu VSH được xác định ở mức 41.800 đồng/cp.
Xem thêm: Sắc xanh bao phủ chứng khoán châu Á trong phiên cuối cùng tháng 10/2022