Trái ngược với kết quả làm ăn thua lỗ, dòng tiền kinh doanh âm hàng trăm tỷ, cổ phiếu CEO của Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) đang là một hiện tượng trên sàn chứng khoán khi liên tục tăng trần hàng chục phiên, khiến thị giá tăng gấp 3 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu bất thường đằng sau những con số mà doanh nghiệp này đã công bố trong BCTC
Cổ phiếu tăng trần liên tục dù kết quả kinh doanh bết bát
Những ngày qua, trên sàn HNX, cổ phiếu CEO của Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) gây ấn tượng mạnh khi gần như liên tục tăng trần từ ngày 8/11 – 26/11. Chỉ sau hơn 2 tuần giao dịch, CEO tạm dừng tại mức thị giá 42.500 đồng/cổ phiếu, tăng 200% chỉ sau 15 phiên giao dịch.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu CEO của CEO Group vào diện bị cảnh báo từ ngày 20/4/2021.
Nguyên nhân HNX đưa cổ phiếu CEO vào diện cảnh báo là do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 trên báo cáo tài chính hợp nhất là số âm (-67 tỷ đồng), thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.
Diễn biến giá cổ phiếu CEO tuần qua gây bất ngờ, thậm chí khiến giới đầu tư cảm thấy nghi vấn bởi tình hình kinh doanh của tập đoàn này không đạt kỳ vọng của cổ đông, thậm chí thua lỗ nặng.
CEO vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021, theo đó doanh thu thuần đạt 124 tỷ, chỉ bằng phân nửa cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn, công ty lãi gộp 13,6 tỷ đồng, chỉ bằng 12% cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, CEO ghi nhận khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 48 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ ròng 58,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7,3 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 CEO thua lỗ liên tiếp, kể từ thời điểm quý 4/2020.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của CEO đạt 406,4 tỷ đồng, giảm 40% cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, công ty ghi nhận lỗ sau thuế 223,6 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, CEO Group đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm 2020 và lãi sau thuế đạt 80 tỷ đồng. Với tình trạng kinh doanh bết bát hiện nay, mục tiêu trên gần như là bất khả thi.
Tính tới thời điểm 30/9, tổng tài sản CEO đạt xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, tập trung ở các khoản phải thu (700 tỷ), hàng tồn kho (700 tỷ), tài sản cố định (1462 tỷ) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn, chủ yếu từ dự án Sonasea Vân Đồn Harbour City (2.236 tỷ).
Bên cạnh đó, việc dòng tiền thuần từ kinh doanh âm tới 144,3 tỷ trong 9 tháng đầu năm (trong khi cùng kỳ dương 112 tỷ) cũng cho thấy tín hiệu rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp này đang gặp vấn đề rất lớn. Nói cách khác, CEO đang phải dùng tiền đầu tư và đi vay để bù đắp cho những thua lỗ trong hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2021, trụ sở của công ty là toà tháp CEO cũng đã phải mang đi thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng BIDV (giá trị còn lại thời điểm 30/6/2021 là 134 tỷ đồng).
Đồng thời, CEO Group cũng đã thế chấp bất động sản đầu tư dự án Sonasea Condotel Phú Quốc Resort (giá trị còn lại tại ngày 30/6/2021 khoảng 566 tỷ đồng) để đảm bảo cho khoản tiền vay ngân hàng.
Bất thường trong BCTC
Hàng loạt nghi vấn được gửi tới HĐQT và ban lãnh đạo của CEO Group khi công ty liên tiếp kinh doanh không hiệu quả. Trong đó, nổi bật là ý kiến: "Làm sao để biết tập đoàn không chuyển lợi nhuận cho công ty sân sau?"
Trả lời trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông tháng 6/2021, Chủ tịch Đoàn Văn Bình cho biết: Công ty không có công ty sân sau, CEO sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông.
Tuy nhiên, có những bất thường ẩn trong BCTC của tập đoàn này, khiến những nghi ngờ của cổ đông dường như là có cơ sở.
Kể từ năm 2016 tới nay, hạng mục Các khoản phải thu ngắn hạn luôn duy trì ở mức cao trong cơ cấu tổng tài sản của CEO (có lúc chiếm tới 35% tổng tài sản). Cần lưu ý, với những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như CEO, phần lớn doanh thu thông thường sẽ nằm ở hạng mục Người mua trả tiền trước (theo Thông tư 200 của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bất động sản sẽ không được ghi nhận doanh thu từ việc bán bất động sản trước khi hoàn thành dự án). Có thể nói, việc CEO duy trì khoản phải thu ngắn hạn ở mức cao là một bất thường đáng lưu tâm.
Bất thường này trở nên đáng báo động khi nhìn vào danh sách các doanh nghiệp, cá nhân hiện đang chiếm dụng vốn của tập đoàn này. Đó là: Công ty CP đầu tư khách sạn An Hưng (tên cũ: Công ty TNHH MTV quốc tế Đỗ Gia Phú Quốc), Công ty TNHH MTV đầu tư Trang Nguyễn Phú Quốc, Công ty TNHH MTV đầu tư Lăng Gia Phú Quốc, Công ty TNHH MTV Thu Hoài Phú Quốc, Công ty CP khách sạn An Thịnh Phát (tên cũ: Công ty TNHH MTV Đoàn Huyền).
5 doanh nghiệp này đều có chung địa chỉ tại Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort, tổ 5, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, Phú Quốc, Kiên Giang, và đều được thành lập vào cùng ngày 22/12/2016.
Điều lạ lùng ở đây, là khoản phải thu đối với các doanh nghiệp kể trên xuất hiện trên BCTC hợp nhất kiểm toán 2016, nghĩa là mới chỉ vài ngày sau khi thành lập, các công ty này đã có những giao dịch trị giá hàng trăm tỷ đồng với CEO Group!?
Tuy là những khoản phải thu ngắn hạn (thường có thời gian thu hồi dưới 1 năm), sau 5 năm, số tiền chiếm dụng vốn vẫn tồn tại tới nay, và có những khoản đã được trích lập dự phòng gần hết – một thủ thuật thường được sử dụng để làm “biến mất” những khoản doanh thu trên sổ sách kế toán.
Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay, CEO liên tục có những khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hàng loạt cá nhân với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Điểm thú vị là các khoản vay trên thường không có tài sản bảo đảm.
https://vnmedia.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/202111/co-phieu-ceo-tang-tran-du-kinh-doanh-bet-bat-va-nhung-bat-thuong-trong-bctc-doanh-nghiep-9675a15/Copy link
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ èo uột, lợi nhuận gộp giảm mạnh, dòng tiền kinh doanh âm hàng nghìn tỷ, nhưng kết thúc quý 3/2021, Công ty CP đầu tư Nam Long (NLG) vẫn có một kết quả lợi nhuận “đẹp”, thậm chí tăng mạnh so với cùng kỳ. Bí quyết nào tạo nên kết quả kinh doanh tưởng như mỹ mãn ấy cho tập đoàn địa ốc phía Nam của đại gia Nguyễn Xuân Quang?
Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, với dòng tiền kinh doanh dương trở lại. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu bất thường đằng sau những con số mà doanh nghiệp này đã công bố.
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tăng tần suất khai thác các đường bay nội địa từ 1/12 tới và khai thác trở lại bình thường đường bay nội địa từ năm 2022.
Được cho là "thách thức" cơ quan quản lý, ngay sau thương vụ IPO khủng hồi tháng 7/2021 của Didi, nhà chức trách Trung Quốc đã nhanh đóng khởi động hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào gã khổng lồ này và cân nhắc đưa ra những án phạt chưa có tiền lệ, bao gồm cả việc hủy niêm yết.
CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (HNX: PSD) mới đây đã phát đi thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đợt 1 năm 2022.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã lên kế hoạch nâng sở hữu CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn và CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tân thành công ty con sau khi ghi nhận lãi gần 5.500 tỷ đồng.