Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, với dòng tiền kinh doanh dương trở lại. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu bất thường đằng sau những con số mà doanh nghiệp này đã công bố.
Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, với dòng tiền kinh doanh dương trở lại. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu bất thường đằng sau những con số mà doanh nghiệp này đã công bố.
Hàng tồn kho vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA) vừa công bố Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 3/2021, trong đó, doanh thu thuần đạt 3.407 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ. Với mức lãi gộp 317,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của AAA giảm xuống còn 9,3%, so với 10,8% cùng kỳ.
Trong quý 3 này, AAA chứng kiến chi phí bán hàng tăng mạnh lên mức 198 tỷ đồng, gấp 3,56 lần cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 10%, đạt 46,7 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến LNST doanh nghiệp giảm mạnh (tương đương mức giảm 21,85% cùng kỳ), chỉ đạt 67,2 tỷ đồng.
Theo biên bản giải trình của AAA, mặc dù doanh thu thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ vẫn tăng đều nhưng cước phí vận tải tăng dẫn tới LNST giảm.
Thời điểm kết thúc quý 3/2021, tổng tài sản của AAA ở mức 9.957 tỷ đồng, tăng 1.388 tỷ đồng so với đầu năm (trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 21%, lên 5.461 tỷ đồng).
Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh (68%) lên 2.804 tỷ đồng; hàng tồn kho vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng.
Công ty ghi nhận gần 13,9 tỷ đồng khoản phải thu khách hàng ngắn hạn và 79,5 tỷ đồng khoản phải thu khách hàng dài hạn từ doanh nghiệp liên quan là Công ty Vật liệu xây dựng CNC An Cường (hơn 53,8 tỷ đồng), Ankor Bioplastics (với 25,7 tỷ đồng).
Tổng nợ phải trả là 4.659 tỷ đồng, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đều tăng so với đầu năm. Trong đó, công ty có khoản nợ ngắn hạn 3.801 tỷ đồng và 857,8 tỷ đồng nợ dài hạn (nợ dài hạn tăng 11% so với đầu năm nay).
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 642 tỷ đồng.
Tính tới cuối tháng 9, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã dương trả lại. Trong khi đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận mức âm 57,5 tỷ đồng.
Bất thường đằng sau những con số?
Một hạng mục rất đáng lưu ý trong cơ cấu tài sản của AAA là khoản phải thu về cho vay, bởi những bất thường trong danh tính các “con nợ” của doanh nghiệp này.
Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021, khoản phải thu về cho vay ngắn + dài hạn của AAA là gần 246 tỷ đồng.
Trong số những “con nợ” được thống kê, bên cạnh những cái tên quen thuộc trong hệ sinh thái An Phát Holdings như Nhựa Hà Nội (vay 30 tỷ), An Cường (vay 30 tỷ), An Trung (vay 7 tỷ), Ankor Bioplastics (vay 9,8 tỷ), không thể không nhắc tới những doanh nghiệp được AAA đặt tên rất “lạ” như: đối tác doanh nghiệp số 1 (vay 43,6 tỷ), đối tác doanh nghiệp số 8 (vay 81 tỷ), đối tác doanh nghiệp số 9 (vay 20 tỷ), đối tác doanh nghiệp số 10 (vay 10,5 tỷ),...
Phần lớn những hợp đồng vay kể trên dưới hình thức tín chấp, lãi suất dao động từ 1-10%/năm.
Để rõ hơn, hãy nhìn vào BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021 của APH (An Phát Holdings, công ty mẹ của An Phát Xanh).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, khoản phải thu về cho vay lên tới hơn 400 tỷ, trong đó Công ty CP Anbio, doanh nghiệp liên quan có cùng lãnh đạo chủ chốt vay 110 tỷ. Phần còn lại tới từ các “đối tác doanh nghiệp” – được đánh số từ 1 tới 6.
Có thể nói, APH và những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của đại gia Phạm Ánh Dương như AAA dường như khá dễ dãi trong việc cho “đối tác” vay mượn, bởi nếu không phải là cho vay tín chấp, thì ở những khoản vay có tài sản bảo đảm (thường là cổ phần doanh nghiệp), APH cũng giải ngân những khoản vay vượt quá giá trị tài sản bảo đảm nhiều lần.
Đơn cử như việc APH sẵn sàng giải ngân khoản vay 81 tỷ cho Đối tác doanh nghiệp số 1 (hay trên BCTC của AAA là Đối tác doanh nghiệp số 8), dù tài sản bảo đảm bằng cổ phần của đơn vị này chỉ vẻn vẹn 44,9 tỷ đồng.
Cũng cần lưu ý, một số khoản phải thu về cho vay với tổng giá trị 35,1 tỷ được AAA thế chấp cho một số khoản vay ngân hàng.
Đây dường như đã trở thành truyền thống của AAA. Bởi chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm (từ 2017 – 2021), AAA đã cho vay chéo các doanh nghiệp liên quan (chủ yếu là công ty mẹ APH và các công ty cùng tập đoàn, cùng ban lãnh đạo) và các đối tác cả nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn này, bên cạnh những “đối tác doanh nghiệp” với danh tính không rõ nêu trên, AAA cũng không ngần ngại cho những doanh nghiệp của lãnh đạo tập đoàn này vay vốn/và đồng thời đi vay lại chính các đơn vị này!?
Có thể kể tới một số cái tên quen thuộc như: Công ty TNHH đầu tư Trung và Hòa (Công ty TNHH phát triển Yotei), do vợ chồng ông Nguyễn Lê Trung (đương kim Phó Chủ tịch HĐQT AAA) thành lập, hiện do bà Phạm Thị Dung, Phụ trách Quản trị AAA làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Yotei hiện là trái chủ của AAA với khoản vay 42 tỷ đồng qua kênh phát hành trái phiếu;
Công ty TNHH đầu tư Việt và Dương (Công ty CP sản xuất và thương mại Yamato), do 2 anh em Phạm Ánh Dương (Chủ tịch HĐQT AAA) và Phạm Hoàng Việt thành lập; Công ty TNHH Dương Phạm Investment.
Trong năm 2018, AAA cũng cho các cán bộ công nhân viên trong công ty vay tín chấp cả trăm tỷ đồng, đơn cử như cá nhân ông Phạm Thanh Bình vay tới 30 tỷ.
Đây đều là các khoản vay tín chấp kỳ hạn dưới 1 năm, lãi suất từ 4,5 – 7%/năm. Và đặc biệt, trong trường hợp hủy ngang hợp đồng, lãi suất của các khoản vay này sẽ được tính = 0%.
Những khoản cho vay “lạ lùng” kể trên đang đặt dấu hỏi về chất lượng tài sản và dòng tiền của AAA. Bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy, doanh nghiệp này đang sử dụng các SPEs (công ty có mục đích đặc biệt) như 1 thủ thuật hiệu quả để đảo tiền.