Hệ thống lương thực toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra căng thẳng.
Hệ thống lương thực toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp tục diễn ra căng thẳng.
Ông Andrey Melnichenko - cổ đông lớn của công ty kinh doanh phân bón và than cho biết, giá phân bón hiện đang trên đà tăng do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra khiến nhiều người nông dân không đủ khả năng chi trả mua phân bón, dẫn tới cuộc khủng hoảng lương thực bùng phát.
Hôm 10/3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, nếu các nước phương Tây ban bố lệnh trừng phạt lên việc xuất khẩu phân bón của Nga - vốn chiếm 13% sản lượng thế giới, giá lương thực sẽ tăng cao trên diện rộng do giá phân bón tăng.
Thông tin thêm, Nga là quốc gia sản xuất chính Kali, phân lân và phân bón chứa Nitơ - đều là những chất dinh dưỡng chính cho đất và cây trồng. Đồng thời, EuroChem - công ty của Nga chuyên sản xuất Nitơ, Phốt phát và Kali là một trong năm công ty phân bón hàng đầu thế giới.
Melnichenko nói: “Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá phân bón tăng vọt, khiến người nông dân không đủ sức chi trả.”
Ông cho biết thêm, các chuỗi cung ứng thực phẩm vốn đã bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 nay càng thêm khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga yêu cầu các nhà sản xuất phân bón của nước này tạm dừng xuất khẩu vào đầu tháng này.
Ngoài ra, Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, những người nông dân ở Ukraine có thể bỏ lỡ mùa gieo trồng quan trọng vào tháng 5 này. Đồng thời, nguồn cung từ Nga cũng có thể bị gián đoạn nếu Điện Kremlin cắt giảm hoạt động xuất khẩu lúa mì để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo FAO, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, chiếm khoảng 10% thị trường toàn cầu. Đây cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu ngô lớn nhất, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.
Song song đó, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với khoảng 17% thị phần xuất khẩu toàn cầu, và là nhà cung cấp hạt hướng dương lớn thứ hai.
Gilbert Houngbo, Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế, cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại rằng một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine có thể hạn chế nguồn cung các loại cây trồng chủ lực của thế giới như lúa mì, ngô và dầu hướng dương, dẫn đến giá lương thực tăng vọt và nạn đói kéo dài. Điều này có thể gây nguy hiểm đến an ninh lương thực toàn cầu cũng như gia tăng căng thẳng địa chính trị."