Khi chiến sự Nga – Ukraine không có dấu hiệu chấm dứt, nhiều trường đại học tại Mỹ, Liên minh châu Âu đã quyết định chấm dứt mối quan hệ với Nga.
Khi chiến sự Nga – Ukraine không có dấu hiệu chấm dứt, nhiều trường đại học tại Mỹ, Liên minh châu Âu đã quyết định chấm dứt mối quan hệ với Nga.
Nguyên do là lo ngại về sự an toàn của sinh viên quốc tế và bày tỏ phản đối chiến tranh.
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, là một trong những trường đầu tiên thông báo kết thúc quan hệ hợp tác nghiên cứu với Chính phủ Nga. Từ năm 2020, MIT và Quỹ Skolkovo, Nga, đã hợp tác thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo (Skoltech). Khoảng 21 giảng viên, 38 sinh viên và nghiên cứu sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định trên.
Chủ tịch MIT, ông L. Rafael Reif cho biết: “Các hành động quân sự của Nga tại Ukraine là không thể chấp nhận. MIT đã chấm dứt quan hệ hợp tác với Skoltech và gửi thông báo từ ngày 25/2. Bước đi này là sự bác bỏ các hành động của Chính phủ Nga tại Ukraine. Chúng tôi rất lấy làm tiếc, đồng thời bày tỏ sự tôn trọng đối với người dân Nga”.
Trong khi đó, Trường Cao đẳng Middlebury, Mỹ, thông báo dừng chương trình hợp tác du học với Nga. Bà Nana Tsikhelashvili, phụ trách chương trình liên kết, thông báo: “Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến tương lai du học tại quốc gia này không chắc chắn. Đã đến lúc du học sinh phải rời khỏi Nga”.
Sinh viên Middlebury hiện đang du học Nga sẽ hoàn thành khoá học theo hình thức trực tuyến. Các em có thể rút khỏi chương trình liên kết nhưng không được hoàn lại học phí.
Hội đồng Trao đổi Giáo dục quốc tế (trụ sở tại Mỹ) cũng thông báo huỷ các chương trình du học mùa xuân 2022 tại Nga và chuyển sinh viên đến các trường đại học khác ở Đông Âu.
Trong khi đó, ngày 4/3, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ngừng hợp tác với các trường đại học Nga trong nghiên cứu, khoa học và đổi mới để phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Bà Mariya Gabriel, Ủy viên châu Âu về đổi mới, nghiên cứu, văn hoá, giáo dục và thanh niên, cho biết: “Hành động xâm lược quân sự của Nga tại Ukriane là cuộc tấn công nhằm vào tự do, dân chủ và quyền tự quyết, trong đó có tự do học thuật, khoa học và hợp tác khoa học. Chúng tôi đã quyết định ngừng hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới với Nga”.
Ngược lại, bà Mariya khẳng định EU đảm bảo Ukraine được tiếp tục tham gia các chương trình nghiên cứu và đào tạo của EU và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (Euratom).
Tuy nhiên, Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA), đại diện cho hơn 850 trường đại học tại 48 quốc gia châu Âu, có cách tiếp cận hoà hoãn hơn.
Lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, song hiệp hội cũng thừa nhận nhiều quan hệ đối tác giáo dục và nghiên cứu với Nga được triển khai hiệu quả. Nhiều học giả người Nga đã có những đóng góp lớn vào hợp tác giáo dục giữa hai bên.
EUA khuyến nghị các trường thành viên cân nhắc khả năng hợp tác với từng đơn vị của Nga và áp dụng các chính sách cấp quốc gia, châu Âu trước khi dừng hợp tác với các tổ chức Nga. Hiệp hội nhấn mạnh sẽ ngừng hợp tác với các cơ quan chính phủ trung ương của Nga hoăc các quốc gia có động thái tích cực ủng hộ cuộc chiến.
Các quyết định đơn phương chấm dứt hợp tác trong giáo dục của châu Âu với Nga hiện đang gây ra nhiều tranh cãi. Ông Kurt Deketelaere, Giáo sư luật tại Trường Đại học Katholieke Leuven, Bỉ, cho rằng, quyết định của EU là “đáng tiếc và là tín hiệu sai lầm đối với cộng đồng học thuật Nga”.
“Là một luật sư, tôi tự hỏi việc Chính phủ Đức, Đan Mạch hay Hà Lan quyết định cắt đứt quan hệ với các trường đại học Nga, Belarus có vi phạm quyền tự do học thuật và quyền tự chủ của các trường đại học châu Âu hay không? Hơn nữa, những hành động này có ý nghĩa gì khi EU vẫn mua khí đốt và dầu từ Nga?”, ông Kurt bày tỏ.