Các lệnh trừng phạt qua lại giữa Mỹ và Nga đang tác động không nhỏ đến các chương trình hợp tác không gian của hai bên, trong đó có cả trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Các lệnh trừng phạt qua lại giữa Mỹ và Nga đang tác động không nhỏ đến các chương trình hợp tác không gian của hai bên, trong đó có cả trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Trong suốt 24 năm qua, Mỹ và Nga đã cùng nhau hợp tác xây dựng và bảo trì Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) - một trong những kỳ quan công nghệ của nhân loại trong thế kỷ 21. Thế nhưng sự hợp tác này có thể sẽ sớm kết thúc khi căng thẳng giữa Moskva và các nước phương Tây đã lên đỉnh điểm xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.
Giờ đây ISS đang đứng trước một tương lai bất định, cả chương trình hợp tác không gian giữa Nga, Mỹ và châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt qua lại giữa các bên.
Chỉ hai tuần sau khi xung đột Ukraine nổ ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm giới hạn chia sẻ công nghệ cao với Moskva điều chắc chắn sẽ tác động đến ngành công nghệ không gian của Nga.
"Các biện pháp hiện tại sẽ làm suy giảm ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của họ, bao gồm cả chương trình không gian", ông Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.
Sau động thái của người Mỹ, Dmitry Rogozin, người đứng đầu Roscosmos đã đăng các bài biết trên mạng xã hội Twitter rằng sẽ loại bỏ việc đưa phi hành gia Mark Vande Hei trở về Trái Đất, đồng thời tách các modul của Nga ra khỏi ISS.
Theo kế hoạch, Vande Hei sẽ cùng hai phi hành gia Nga khác trở về Trái Đất trong vài tuần tới trên một tàu vũ trụ của Nga. Như vậy, kế hoạch trên có thể sẽ bị trì hoãn khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành hàng không vũ trụ Nga
Trong tuyên bố sau đó, NASA cho biết chương trình hợp tác không gian giữa Mỹ và Nga vẫn sẽ tiếp tục, họ không có kế hoạch tạm ngưng với hợp tác với Roscosmos.
Khi được hỏi về những căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây sẽ tác động thế nào đến ISS, cựu phi hành gia người Mỹ Scott Kelly cho rằng trạm vũ trụ quốc tế cần đến sự hợp tác giữa các bên lúc này.
"Khi bạn đang ở trong không gian và bay quanh Trái đất với vận tốc 28.158 km/h thì đó là môi trường làm việc rất nguy hiểm, sự hợp tác chính là điều giúp ISS vận hành hiệu quả suốt nhiều năm qua”, Kelly nói.
Kelly hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác Mỹ-Nga trong không gian có thể được hàn gắn, bất chấp những căng thẳng chính trị ở bên dưới mặt đất.
"Tôi đã làm việc với nhiều chuyên gia ở Roscosmos, nhiều người trong số họ suốt hơn hai thập kỷ, tôi tin tưởng họ. Tôi thực sự tin tưởng họ dựa trên những điều bản thân từng trải qua trước đây”, Kelly nói.
Kelly còn nói thêm rằng ISS là một ví dụ điển hình về nơi có thể có “hòa bình vĩnh viễn” vì tất cả các phi hành gi đều có chung một mục tiêu, khám phá và học hỏi.
Dù vậy, ông Kelly cho rằng Mỹ nên chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.
Còn theo nữ phi hành gia người Mỹ Cady Coleman, việc đến từ đâu không quan trọng, tất cả mọi người đều làm việc và sống cùng nhau ở ISS như một gia đình.
"Không gian bên trong ISS chật hẹp và luôn ẩn chứa rủi ro. Và theo kinh nghiệm của tôi, khi gặp khó khăn, chúng tôi sẽ ngồi lại cùng nhau để tìm cách vượt qua. Mọi việc đều có thể giải quyết nếu bạn hướng đến một mục tiêu chung”, Coleman nói.
Coleman nói rằng các phi hành gia Mỹ và Nga trên ISS luôn hợp tác cùng nhau để giải quyết mọi việc, kể cả những nhiệm vụ sinh tử.
Trạm Vũ trụ quốc tế ISS được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa nhiều quốc gia, gồm: Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada và các quốc gia thành viên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu như Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và Thụy Điển.
Các modul trạm đầu tiên do Mỹ và Nga xây dựng (từ năm 1998). ISS tiếp tục được lắp ráp thêm các modul mới trong suốt 20 năm sau đó. Hầu hết hoạt động trên trạm vũ trụ đều do các phi hành gia của Mỹ và Nga thực hiện.
Tính đến thời điểm hiện tại, ISS tổng cộng 15 modul chính, 6 modul trong đó thuộc về Nga, 7 modul của Mỹ, một của châu Âu và cái còn lại của Nhật Bản.
Khi chương trình tàu con thoi kết thúc vào năm 2011, Mỹ gần như phụ thuộc vào Nga trong việc đưa phi hành gia lên ISS. Điều này giúp Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) xích lại gần nhau trong các chương trình hợp tác không gian.
Sự hợp tác giữa Mỹ và Nga đối với hoạt động của ISS có thể sớm thay đổi khi NASA bắt đầu chương trình tàu vũ trụ SpaceX Dragon 2. Một khi Dragon 2 được đưa vào hoạt động chính thức thì việc Mỹ sử dụng tàu vũ trụ Nga để đưa phi hành gia lên ISS cũng sẽ chấm dứt.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã công bố kế hoạch rút khỏi ISS sớm nhất vào năm 2025.