Nhận thấy tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực BĐS tăng cao và lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ ở mức lớn, giới đầu tư đã có cái nhìn khá tiêu cực đối với cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB).
Nhận thấy tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực BĐS tăng cao và lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ ở mức lớn, giới đầu tư đã có cái nhìn khá tiêu cực đối với cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB).
Thời gian gần đây, Chính phủ đã ra quy định kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát thận trọng hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Quy định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được sửa đổi một cách chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tính bền vững của thị trường vốn Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 42% so với cùng kỳ nhưng chủ yếu đến từ phát hành riêng lẻ (chiếm 95% tổng lượng phát hành).
Hơn nữa, do có tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản cao và nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng, nhà đầu tư đã có những góc nhìn tiêu cực đối với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB), dẫn đến sự sụt giảm mạnh 27% về giá cổ phiếu từ đầu tháng 4/2022.
Ở một diễn biến khác, định giá của TCB khá hấp dẫn sau khi thị trường tiến hành một đợt điều chỉnh mạnh. TCB đang giao dịch ở mức P/BV dự phóng 2022 chỉ 1,1 lần, thấp hơn 23% so với trung bình ngành là 1,46 lần dù TCB là một ngân hàng sở hữu nền tảng vững chắc, khả năng sinh lời mạnh mẽ và bảng cân đối kế toán lành mạnh.
Xem thêm: Techcombank thông qua kế hoạch phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP
VNDirect nhận định, TCB sẽ ít chịu ảnh hưởng liên quan đến việc thắt chặt quy định nói trên nhờ vào tỷ lệ an toàn vốn cao nhất toàn ngành, qua đó giúp giảm thiểu mọi rủi ro ngay cả khi ngân hàng tích cực đẩy mạnh cho vay bất động sản (chiếm 32,2% tổng tín dụng và 68% tổng cho vay khách hàng doanh nghiệp) và trái phiếu doanh nghiệp (17% tổng tín dụng).
Ngoài ra, dù sự giám sát thị trường vốn đã gây ra một số rào cản ngắn hạn nhưng điều này vẫn rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của một thị trường vốn non trẻ như Việt Nam. Song song đó, với vị thế lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TCB sẽ tận dụng được tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ này trong tương lai.
VND duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng cho TCB (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên hạ P/BV mục tiêu từ 2,1 lần xuống 2 lần để phản ánh những khó khăn của thị trường hiện tại.
Kết hợp phương pháp P/BV và phương pháp định giá thu nhập thặng dư, CTCK VNDirect đã đưa ra giá mục tiêu là 66.400 đồng/cổ phiếu (giảm 5% so với trước đó) với rủi ro bao gồm: lạm phát cao hơn dự kiến và nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.
Xét về tình hình kinh doanh, trong quý I/2022, TCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 8.111 tỷ đồng (tăng 12% so với quý liền kề và tăng 32,4% so với cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi đạt 2.000 tỷ đồng (giảm 31,4% quý liền kề và giảm 28,8% cùng kỳ).
Không những vậy, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 28,5% so với cùng kỳ) và NIM tăng 6% so với cùng kỳ đã mang lại tăng trưởng thu nhập lãi thuần 32,5% cho TCB.
Chi phí dự phòng trong quý chỉ khoảng 218 tỷ đồng, giảm mạnh 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế đạt 6.785 tỷ đồng, tăng gần 23% so với quý I/2021 và tăng 10,5% so với quý IV/2021.
Xem thêm: Rà soát doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ phát hành trái phiếu lãi suất cao