Đến năm 2025, Việt Nam sẽ đa dạng theo các hướng kết nối nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng và đường truyền dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam đạt tối thiểu 60TBps trên tất cả các tuyến cáp quang quốc tế đất liền và cáp quang biển…
Đến năm 2025, Việt Nam sẽ đa dạng theo các hướng kết nối nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng và đường truyền dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam đạt tối thiểu 60TBps trên tất cả các tuyến cáp quang quốc tế đất liền và cáp quang biển…
Dự thảo quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến nhân dân, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho hạ tầng số của Việt Nam. Trong đó, dự kiến đến năm 2025, bổ sung từ 3 đến 5 tuyến cáp quang quốc tế trên đất liền và trên biển.
Theo đó, Việt Nam sẽ đa dạng theo các hướng kết nối nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng và đường truyền dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam đạt tối thiểu 60TBps trên tất cả các tuyến cáp quang quốc tế đất liền và cáp quang biển.
Việt Nam hiện có 07 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế bao gồm các tuyến: AAG, APG, SMW-3, IA, AAE-1, TVH, SJC-2 và 1 tuyến cáp biển ADC dự kiến hoàn thành năm 2022. Hướng kết nối quốc tế chủ yếu của các tuyến cáp quang biển Việt Nam là kết nối với khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Hoa Kỳ (các tuyến AAG, APG, IA), kết nối với châu Âu (SMW-3, AAE-1).
Ngoài ra kết nối đi quốc tế còn có các tuyến cáp quang đất liền kết nối với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, tuy nhiên dung lượng các tuyến này thấp, không đáng kể. Tính đến hết năm 2020, tổng băng thông kết nối quốc tế của Việt Nam đạt hơn 13,6 Tbps.
Tính đến thời điểm này, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã tham gia đầu tư xây dựng, cập bờ vào Việt Nam 6 tuyến cáp quang biển. Gần đay nhất là SJC2 (South East Asia - Japan 2 Cable System) - tuyến cáp biển quốc tế kết nối các nước Singapore - Thái Lan - Việt Nam - Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản.
Cùng với các tuyến cáp biển hiện đang khai thác như AAG, APG, AAE-1, Faster, SMW-3 tuyến cáp biển SJC2 cung cấp thêm một dung lượng lớn tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, san tải với các tuyến cáp biển hiện có, làm tăng độ an toàn mạng lưới, nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông của VNPT cung cấp đến khách hàng - chất lượng kết nối Internet của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng trong trường hợp 1-2 tuyến cáp biển bị sự cố.
VNPT cùng với các Tập đoàn quốc tế (CHT, CMI, DHT, Facebook, KDDI, Singtel, SKB, Telin và TICC) đầu tư vào tuyến cáp biển SJC2 với tổng chiều dài cáp ngầm dưới biển là 10.500 km, tổng đầu tư ban đầu là 439 triệu USD, kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương gồm 10 điểm cập bờ, trong đó điểm cập bờ Việt Nam tại Thành phố Quy Nhơn.
Dung lượng thiết kế toàn hệ thống SJC2 là 126Tbps, riêng VNPT sở hữu dung lượng 9Tbps, cho phép VNPT triển khai các ứng dụng kết nối internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao như Internet vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo…
Ngay sau ký kết hợp đồng vào tháng 3/2018, VNPT đã chủ động tổ chức triển khai dự án đúng trách nhiệm của thành viên Việt Nam, hoàn thành các thủ tục xin cấp giấy phép với các cơ quan quản lý trong nước, làm việc với địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan. VNPT phối hợp tốt với nhà thầu hoàn thành thi công kéo cáp SJC2 cập bờ tại Quy Nhơn vào tháng 8/2019.
Sau khi đưa SJC2 vào hoạt động, bên cạnh Vũng Tàu và Đà Nẵng, Quy Nhơn là cửa ngõ viễn thông cáp quang biển quốc tế thứ ba của VNPT, được trang bị hiện đại, dung lượng quốc tế lớn, sẽ là động lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của Bình Định và các tỉnh lân cận; có khả năng cung cấp dung lượng quốc tế lớn kết nối đến Campuchia, Lào…