Tỷ lệ người dùng thanh toán qua di động tại Việt Nam ước đạt 29,1%, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng tổng giá trị giao dịch của mỗi người dùng ở mức thấp.
Tỷ lệ người dùng thanh toán qua di động tại Việt Nam ước đạt 29,1%, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng tổng giá trị giao dịch của mỗi người dùng ở mức thấp.
Theo báo cáo Triển vọng thị trường kỹ thuật số Statista, Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ người dùng sử dụng hình thức thanh toán qua điện thoại di động cao nhất thế giới với hơn 500 triệu người - chiếm 39,5% dân số. Con số này bao gồm cả việc thanh toán tại các cửa hàng, nhà hàng cũng như gian hàng trực tuyến. Xếp vị trí thứ hai là Hàn Quốc với tỷ lệ 29,9%, theo sau là Việt Nam với 29,1%.
Tại Trung Quốc, thị trường ứng dụng thanh toán đang phát triển bùng nổ và hiện được thống trị bởi Alipay và WeChat Pay. Hai ứng dụng này được sử dụng rộng rãi trên nhiều nền tảng và tại hàng triệu cửa hàng, kể cả các sạp hàng ở chợ truyền thống. Trung Quốc sở hữu lượng doanh nghiệp nhỏ đông đảo và hầu hết quá độ từ tiền mặt sang ứng dụng thanh toán, bỏ qua các loại thẻ như thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, xét về tổng giá trị giao dịch bình quân năm trên một người dùng, Trung Quốc thua xa so với Mỹ và một số nước châu Âu như Anh, Na Uy, Italy. Statista dự báo, một khách hàng Trung Quốc bình quân chi khoảng 2.300 USD qua các ứng dụng thanh toán trong năm 2021. Trong khi đó, con số này là hơn 7.000 USD tại Anh và gần 8.000 USD tại Mỹ.
Tuy nhiên, không phải quốc gia châu Âu nào cũng có giá trị tiêu dùng qua ứng dụng thanh toán cao. Mức chi dự báo của người dùng Tây Ban Nha và Đức lần lượt là hơn 1.800 USD và hơn 1.500 USD.
Trong khi đó, tại các quốc gia đang phát triển châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, dù tỷ lệ sử dụng ứng dụng thanh toán cao hơn bình quân toàn cầu, mức chi của mỗi khách hàng thấp, ước tính chỉ đạt lần lượt 80 USD và 74 USD trong năm nay.
Bảng dưới đây là dự báo tỷ lệ người dùng thanh toán qua di động và giá trị giao dịch bình quân trên mỗi người dùng tại một số quốc gia năm 2021, theo Statista.
Theo thống kê, quý 1/2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỉ đồng, tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỉ đồng, tăng 103% về giá trị; kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỉ đồng, tăng 146%... Hằng ngày, các hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý khoảng 25 tỉ USD.
Cùng với việc phát triển thanh toán số, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu 90% người dân sẽ mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ người dân có khả năng sử dụng các kỹ năng số cơ bản đạt khoảng 70%. Cùng với đó, 100% học sinh phổ thông, sinh viên được đào tạo kỹ năng số; tối thiểu 50% người nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản…
Cũng trong giai đoạn đến năm 2025, có 70% tỷ lệ người dân có danh tính số. Mỗi danh tính số trung bình sẽ phát sinh 100 lượt sử dụng mỗi năm. Việc phát triển và sử dụng danh tính số theo định hướng phổ cập danh tính số trên điện thoại di động thông minh, tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, một danh tính số có thể sử dụng tất cả các dịch vụ số.
Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển hạ tầng mạng di động 5G và các thế hệ tiếp theo, triển khai thương mại hoá mạng di động 5G, phổ cập điện thoại di động thông minh với 100% người dân có điện thoại thông minh. Cùng với đó, tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100% và hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% hộ gia đình.