Ngày 19/11, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế kiến nghị cho bệnh nhân COVID-19 (F0) không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cách ly 7 ngày thay vì 14 ngày như trước.
Ngày 19/11, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế kiến nghị cho bệnh nhân COVID-19 (F0) không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cách ly 7 ngày thay vì 14 ngày như trước.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, kể từ ngày 1/10, TP.HCM triển khai áp dụng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các hoạt động sản xuất và sinh hoạt xã hội được khôi phục. Báo cáo số liệu từ các quận huyện cho thấy số ca mắc mới ở hầu hết 22 quận, huyện và TP Thủ Đức đều có xu hướng tăng nhẹ. Đặc biệt, 5 quận huyện có số ca mắc mới tăng cao đó là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức, quận Bình Tân và quận 12.
Hiện TP.HCM điều trị 66.722 ca mắc COVID-19 (F0), trong đó 48.903 ca đang được cách ly tại nhà và 5.185 ca tại khu cách ly tập trung. Đây đều là các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Đến nay, toàn TP đã tiêm vaccine COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên với mũi 1 đạt hơn 99% và mũi 2 đạt 83%. Còn đối với trẻ em từ 12-17 tuổi, mũi 1 đạt 95% và dự kiến tiêm mũi 2 vào tuần cuối tháng 11/2021.
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh trong giai đoạn mới, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các phương án cách ly F0 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện, cách ly tại nhà hoặc chuyển vào khu cách ly tập trung quận, huyện (nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà).
Đối với các trường hợp có triệu chứng cần can thiệp y tế thì chuyển vào bệnh viện điều trị COVID-19 (tầng 2, tầng 3).
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ khi áp dụng hướng dẫn chẩn đoán điều trị do Bộ Y tế ban hành ngày 6/10, đặc biệt sử dụng thuốc Molnupiravir kháng virus, đã có nhiều F0 hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và mất hẳn các triệu chứng chỉ sau 1 tuần cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19.
Tuy nhiên, các trường hợp trên vẫn phải tiếp tục cách ly đến hết thời gian theo quy định (14 ngày). Việc kéo dài thời gian cách ly như hiện nay cùng với số ca mắc mới gia tăng từng ngày nên tình trạng quá tải tại khu cách ly tập trung và các bệnh viện là khó tránh.
Trước tình hình đó, để gia tăng hiệu quả trong công tác chăm sóc, điều trị F0; duy trì mục tiêu hạn chế các trường hợp bệnh nặng và tử vong do COVID-19, trên cơ sở đề xuất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện và TP Thủ Đức, đồng thời giảm tải cho các khu cách tập trung, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Y tế cho phép TP.HCM thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày đối với F0 không có triệu chứng đã tiêm đủ liều vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.
Sở Y tế TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế của Thành phố đề nghị Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục động viên nhân viên nỗ lực hơn nữa để phát huy những thành quả đã đạt được, vững tin để đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Sở Y tế đề nghị triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:
Lãnh đạo các bệnh viện cần quán triệt đến từng nhân viên trong bệnh viện có nhận thức đúng về “Bệnh viện xanh” trong giai đoạn bình thường mới. Theo đó, “Bệnh viện xanh” không phải là “Bệnh viện không có COVID-19”, mà là bệnh viện được tổ chức và vận hành theo các quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định về sàng lọc, phân luồng, cách ly và có khu vực luôn sẵn sàng để thu dung điều trị người bệnh COVID-19, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Lãnh đạo các bệnh viện chịu trách nhiệm phổ biến, tập huấn, xây dựng các kịch bản và tổ chức diễn tập các tình huống liên quan đến quy trình xử lý F0 tại các cơ sở y tế theo đúng các quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Tất cả bệnh viện cần chủ động rà soát, bổ sung cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh COVID-19.
Sau khi phát hiện và cách ly người bệnh mắc COVID-19, trường hợp cần liên hệ để chuyển người bệnh đến các cơ sở được phân công chuyên trách thu dung điều trị COVID-19 thì liên hệ đến bệnh viện được phân công theo địa bàn quận, huyện. Trường hợp người bệnh có dấu hiệu nặng cần chuyển tuyến thì liên hệ với bệnh viện tầng trên đã được Sở Y tế phân công theo từng cụm.
Sở cũng lưu ý việc phân cụm điều trị nhằm giúp cho công tác hội chẩn và chuyển bệnh được thuận lợi hơn và chỉ mang tính tương đối.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh. Sở Y tế chính thức kích hoạt lại hoạt động của Tổ điều phối chuyển viện do Thanh tra Sở và Nghiệp vụ Y phụ trách. Khi gặp khó khăn liên quan đến công tác chuyển viện, đề nghị các bệnh viện chủ động liên hệ Tổ điều phối (số điện thoại 0989.40.11.55) để được hỗ trợ.
Yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn Thành phố cử bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng theo kế hoạch phân công của Sở Y tế để vừa tham gia công tác chăm sóc người F0, vừa tham gia chương trình đào tạo liên tục về chuyên khoa Hồi sức. Chương trình đào tạo thực hành về Hồi sức sẽ do các bệnh viện: Nhân dân Gia Định, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trung ương Huế (cho đến tháng 12/2021) và Nhân dân 115 phụ trách.
Do mỗi địa phương cần phải duy trì các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện quận, huyện chủ động tham gia vận hành và cử nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại các cơ sở này. Sở Y tế hoan nghênh và khuyến khích các bệnh viện Thành phố, bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn tham gia vận hành và cử nhân viên tham gia các bệnh viện dã chiến của quận, huyện.
Ngoài ra, mỗi bệnh viện luôn sẵn sàng danh sách bác sĩ, điều dưỡng dự bị, tổ chức tập huấn để sẵn sàng tham gia vận hành các trạm y tế lưu động khi được Sở Y tế yêu cầu, cùng với việc sẵn sàng cử lực lượng đi chi viện, hỗ trợ công tác điều trị COVID-19 cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.