Sau khi các nhà phân tích của Phố Wall dự đoán sai về tình hình năm 2022, giới đầu tư đang chú trọng vào những yếu tố có thể gây ra tình trạng lạm phát gia tăng, tốc độ tăng trưởng suy yếu cũng như khó khăn trong việc định giá.
Sau khi các nhà phân tích của Phố Wall dự đoán sai về tình hình năm 2022, giới đầu tư đang chú trọng vào những yếu tố có thể gây ra tình trạng lạm phát gia tăng, tốc độ tăng trưởng suy yếu cũng như khó khăn trong việc định giá.
Trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ 1970, chứng khoán Mỹ hiện phải đối mặt với ba thách thức khiến niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm mạnh mẽ, bao gồm: lạm phát tăng cao, rủi ro suy thoái và mối đe dọa đối với lợi nhuận doanh nghiệp.
Scott Ladner - Giám đốc Đầu tư tại Horizon Investments, cho biết: “Thị trường nhanh chóng chạm đáy sẽ cần sự thay đổi trong chính sách của Ngân hàng Trung ương và chúng tôi không nghĩ động thái này có thể xảy ra trong vài tháng tới”.
Hiện tại, thay vì bơm tiền mặt vào thị trường như năm 2008 và 2020, Fed dự kiến tăng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế tình hình lạm phát. Song song đó, nhiều động lực cho việc tăng giá cũng hiện đã tạm dừng.
Trên thị trường chứng khoán, năm nay là một trong những năm tồi tệ nhất về mức sụt giảm hàng ngày với chỉ số S&P 500 giảm trên 2% trong 14 lần. Điều này khiến chứng khoán 2022 trở thành một trong những năm mà thị trường sụt giảm mạnh nhất theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp trong hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, chỉ số VIX (Volatility Index) - chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường của chứng khoán - vẫn đang thấp hơn mức của thị trường con gấu trong quá khứ, cho thấy thị trường vẫn chưa nhận ra sự “lột xác” cần thiết để châm ngòi cho một xu hướng tăng bền vững.
Dựa trên các dữ liệu về thị trường con gấu thời gian trước, chỉ số S&P 500 có thể sẽ chứng kiến một số phục hồi vào cuối năm nay. Thế nhưng, trong bối cảnh rủi ro suy thoái ngày một gia tăng, các mức thấp kỷ lục sẽ xuất hiện trước đợt phục hồi.
Michael J. Wilson - Giám đốc Đầu tư tại Morgan Stanley cho biết, S&P 500 cần giảm thêm 15% đến 20%, xuống khoảng 3.000 điểm để thị trường phản ánh đầy đủ quy mô co lại của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế hiện giờ, ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn tương đối lạc quan. Điều này sẽ được kiểm chứng khi các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu công bố báo cáo lợi nhuận quý II trong hai tuần tới.
Trái ngược với quan điểm trên, các chiến lược gia của Goldman Sachs, tỷ suất lợi nhuận của các công ty Mỹ khả năng sẽ giảm trong năm tới cho dù nền kinh tế có rơi vào suy thoái hay không.
Kỳ vọng lợi nhuận mạnh mẽ đã khiến định giá thị trường của Mỹ và châu Âu có vẻ rẻ hơn so với mức trung bình dài hạn, thu hút một số nhà đầu tư mua bắt đáy và thúc đẩy các đợt phục hồi ngắn hạn. Nhưng khi so sánh với lợi suất trái phiếu, ít nhất cổ phiếu thị trường châu Âu không hề rẻ.
Xem thêm: Chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận tình trạng bán tháo diện rộng
Hơn nữa, trong khi những lo lắng về suy thoái gia tăng, trọng tâm của vấn đề hiện vẫn là tình hình lạm phát.
Lạm phát tiếp tục tăng ngay cả khi Ngân hàng Trung ương thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn, tạo ra một cú hích cho khả năng xảy ra suy thoái.
Caroline Shaw - Giám đốc danh mục đầu tư tại Fidelity International cho biết: “Lạm phát đang ở mức mà nhiều người chưa từng trải qua và các Ngân hàng Trung ương đang tăng lãi suất lên mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Do đó, những sai lầm về chính sách có thể xảy ra và những sai lầm này có thể gây ảnh hưởng lớn đến thị trường”.
Ở các thị trường mới nổi, nhiều nhà đầu tư nói rằng, họ cảm thấy Fed cần bớt “diều hâu” hơn để giảm thiểu lo ngại mặc dù nhiều thị trường đã sụt giảm mạnh nhất từ năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến thị trường tài chính sụp đổ và Nga vỡ nợ.
Các Ngân hàng Trung ương với quan điểm diều hâu đi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn sẽ đặc biệt gây áp lực lên các thị trường định hướng xuất khẩu, công nghệ cao như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Swissquote cho hay: “Lạm phát sẽ quyết định liệu chúng ta có nên quay đầu lại trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn hay nên chuẩn bị cho một tương lai “xám xịt” trong nửa cuối năm nay”.
Xem thêm: Lạm phát châm ngòi cho làn sóng lao động đòi tăng lương trên toàn cầu