Tâm lý lo ngại và thận trọng của giới đầu tư sau khi một loạt các dữ liệu về kinh tế Mỹ được công bố như là lạm phát hay CPI đã “nhấn chìm” các chỉ số trên thị trường chứng khoán toàn cầu vào “biển đỏ”.
Tâm lý lo ngại và thận trọng của giới đầu tư sau khi một loạt các dữ liệu về kinh tế Mỹ được công bố như là lạm phát hay CPI đã “nhấn chìm” các chỉ số trên thị trường chứng khoán toàn cầu vào “biển đỏ”.
Giảm điểm hiện đang là xu hướng chính của thị trường chứng khoán toàn cầu sau khi dữ liệu lạm phát tháng 5 tại Mỹ được công bố đã dấy lên những lo ngại về khả năng nhiều Ngân hàng Trung ương sẽ siết chặt hơn chính sách tiền tệ.
Song song đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cũng tăng cao hơn mức dự kiến, đạt 8,6%. Điều này càng khiến giới đầu tư và toàn thị trường nói chung e ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra do động thái từ Fed và Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia khác.
Các chỉ số chính trên thị trường Phố Wall tại thời điểm chốt phiên 10/6 đều ghi nhận sự sụt giảm, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2022. Ngoài ra, nhiều dấu hiệu cũng chỉ ra rằng, chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục thua lỗ khi tiếng chuông mở cửa giao dịch vang lên vào phiên đầu tuần ngày 12/6 (giờ địa phương).
Bên cạnh đó, cổ phiếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng lao dốc trong phiên giao dịch hôm nay với chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc đều giảm hơn 3%. Chứng khoán châu Âu cũng giảm trong phiên giao dịch sáng này khi chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 2%.
Xem thêm: Chứng khoán Mỹ thê thảm sau báo cáo CPI được công bố
Ở một diễn biến khác, lợi suất kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2007 vào phiên đầu tuần và tiến đến mức nghịch đảo với lãi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm, dấu hiệu được coi là một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Fahad Kamal - Giám đốc Đầu tư tại Kleinwort Hambros cho rằng: “Tôi nghĩ xác suất rơi vào thị trường giá xuống đã tăng lên”.
Richard Kelly - Giám đốc chiến lược toàn cầu Ngân hàng TD Securities nhận định, cả thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu đều đang phát đi tín hiệu một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào quý IV/2022 và quý I/2023.
“Nhìn chung, nếu bạn nhìn vào lĩnh vực chứng khoán, thị trường này đang cho bạn biết, ISM (chỉ số hoạt động kinh tế Mỹ) có thể giảm xuống 50 hoặc dưới 50 trong 2 - 3 tháng tới”, ông Kelly nói.
Tuần này sẽ là tuần quan trọng trong cuộc chiến chống lại lạm phát tăng cao của các Ngân hàng Trung ương và thị trường toàn cầu.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang sẽ gặp nhau tại cuộc họp chính sách vào ngày mai (14/6) để thảo luận về đường đi nước bước trong việc tăng lãi suất.
Đồng thời, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang cũng được cho là sẽ công bố mức tăng ít nhất 50 điểm cơ bản vào thứ Tư sau khi đã tăng lãi suất hai lần trong năm nay mặc dù thị trường đặt cược vào mức tăng 75 điểm cơ bản dựa trên số liệu về CPI.
Tương tự động thái trên, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh sẽ công bố quyết định lãi suất mới nhất vào thứ Năm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và BCB của Brazil cũng tổ chức cuộc họp chính sách trong tuần này.
Xem thêm: Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm chạm mức cao nhất kể từ 2007