Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) đề nghị quy định: "Người ra quyết định thanh tra có quyền hạn, trách nhiệm phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra”…
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) đề nghị quy định: "Người ra quyết định thanh tra có quyền hạn, trách nhiệm phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra”…
Phát biểu góp ý cho Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) nêu rõ: Điểm p khoản 1 Điều 78 dự thảo luật quy định "Người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm" còn 4 hạn chế quan trọng.
Thứ nhất, không thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo ĐB Đỗ Đức Hồng Hà, cả hai văn bản luật này đều quy định phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra là trách nhiệm chứ không phải là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra.
Thứ hai, theo ĐB Đoàn Hà Nội, Điểm p khoản 1 Điều 78 dự thảo luật “không bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống tội phạm nói chung và các tội phạm tham nhũng nói riêng”, đó là, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản, cũng không bảo đảm thực hiện nguyên tắc xử lý tội phạm trong Bộ luật Hình sự, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật và nhiệm vụ của Bộ Luật Tố tụng hình sự là xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Ba là, không thể hiện thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của Quốc hội và mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát của Nhân dân đối với trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra.
Bốn là, không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm về tham nhũng trong tình trạng hiện nay, cũng không khắc phục có hiệu quả được tình trạng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều do với số tài sản bị chiếm đoạt.
“Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.” – ĐB Đỗ Đức Hồng Hà nêu rõ.
Với 4 hạn chế nêu trên, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị bổ sung cụm từ "trách nhiệm" vào sau cụm từ "quyền hạn" trong mục 5 Điều 78 và mũ của khoản 1 Điều 78 dự thảo luật.
Đồng thời, bổ sung từ "phải" và từ "ngay" vào điểm p khoản 1 Điều 78 dự thảo luật, thành: phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; bổ sung một cách hợp lý các từ "phải" và "ngay" nêu trên vào đoạn 2 khoản 2 Điều 6, khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 66 dự thảo luật.
Tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra
Một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm góp ý kiến, đó tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra. ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu phân định rõ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong dự thảo luật để tránh trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, đồng thời quy định rõ về thành lập đoàn thanh tra liên ngành.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, cần phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa thanh tra bộ và thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn với nhau, để tránh trùng lắp, chồng chéo.
“Việc nào Tổng cục, Cục thanh tra chuyên ngành theo từng lĩnh vực thì thanh tra Bộ không thanh tra, nhằm hạn chế gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp có phát sinh mới hoặc có nghi vấn tiêu cực của thanh tra trước đó thì thanh tra Bộ sẽ vào thanh tra” - ĐB tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.
ĐB Phạm Văn Hòa thống nhất thành lập thanh tra Cục thuộc Tổng cục theo ngành dọc và đóng tại địa phương, như Cục Thuế, Cục Thống kê, Cục Hải quan để thanh tra chuyên ngành, tuy nhiên, ông đề nghị không thành lập thanh tra Cục thuộc cơ quan của Tổng cục cũng như không thể Cục thuộc Tổng cục ở địa phương nào cũng có cơ quan thanh tra mà tùy theo tính chất đặc thù của chuyên ngành, phạm vi, đối tượng quản lý rộng lớn mà thành lập và cũng không được thành lập chi cục thanh tra ở các nơi.
“Tôi đề nghị ghi rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Cục trực thuộc Tổng cục ở địa phương, ghi thẳng vào luật, vì không có lý do gì để giao Chính phủ quy định. Các tổ chức của thanh tra khác đều ghi rõ vào Luật hết, còn riêng thanh tra Cục thuộc địa phương lại không ghi rõ thì không nên mà đề nghị ghi thẳng vào luật luôn” - ĐB tỉnh Đồng Tháp nêu rõ ý kiến.
ĐB Pham Văn Hòa cũng thống nhất được thành lập ở cơ quan thanh tra thuộc Chính phủ, tuy nhiên, ông cho rằng không thể cơ quan nào cũng có tổ chức thanh tra mà phải có tiêu chí, điều kiện thành lập khi được luật giao nhiệm vụ thanh tra và được giao một số nhiệm vụ quản lý nhà nước, như Ủy ban Quản lý vốn, Bảo hiểm xã hội và giao cho Chính phủ quy định về việc thành lập thanh tra của cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ.
Cho biết “rất thống nhất UBND tỉnh quyết định thành lập cơ quan thanh tra sở”, tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa cho biết, hiện nay, có một số tỉnh các cơ quan sở đều có thanh tra nhưng cũng có tỉnh không có cơ quan thanh tra.
“Teo tôi nghĩ không nhất thiết sở nào cũng phải có cơ quan thanh tra mà tùy theo tính chất, nhiệm vụ của mỗi tỉnh và đặc thù biên chế của cơ quan của tỉnh đó mà UBND tỉnh sẽ quyết định thành lập, cơ quan nào có, cơ quan nào không có. Tuy nhiên, những quy định trong dự thảo Luật phần cứng đã ghi rất rõ, còn phần mềm thì có thể tùy theo tính chất, điều kiện thì có thể thành lập hay không thành lập” - ĐB tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.