Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 26/10, bao gồm: TCB, DCM, PVS.
Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 26/10, bao gồm: TCB, DCM, PVS.
TCB là cổ phiếu tiềm năng trong dài hạn với mức định giá hấp dẫn
CTCK Tiên Phong - TPS
Tại cuộc họp ngày 21/10/2022, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HOSE – Mã: TCB) đã cập nhật tình hình hoạt động của Ngân hàng trong quý III và 9 tháng năm 2022. Tổng thu nhập quý III/2022 đạt 10.338 tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ) và lũy kế 9 tháng đạt 31.474 tỷ đồng (tăng trưởng 16,9%); lợi nhuận sau thuế quý III/2022 đạt 5.367 tỷ đồng (tăng 21,1%) và 9 tháng đạt 16.864 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm trước).
Tăng trưởng thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi năm 2022 kỳ vọng sẽ thấp hơn 2021. NIM 2022 sụt giảm với chi phí huy động gia tăng và tỷ lệ CASA 2022 cũng suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu vẫn kiểm soát tốt và duy trì mức tương đương so với cùng kỳ.
Theo ước tính của TPS, lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của ngân hàng ước đạt mức tăng trưởng gần 20% so với năm trước, đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng. TPS đánh giá TCB là cổ phiếu tiềm năng trong dài hạn với mức định giá hấp dẫn (P/B hiện tại là 0.74x so với mức trung bình lịch sử 3 năm là 1.56x)
DCM đang được giao dịch PE thấp hơn nhiều so với trung bình 3 năm
CTCK KIS Việt Nam - KIS
CTCP Đạm Cà Mau (DCM – sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu đạt 3.307 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ, giảm 19% so với quý trước), lợi nhuận sau thuế đạt 731 tỷ đồng (tăng 95% so với cùng kỳ, giảm 30% so với quý trước).
Trong đó, doanh thu xuất khẩu ure chiếm khoảng 46% tổng doanh thu từ ure, cao hơn mức 39% trong quý 2. Trung bình, đơn giá bán ure đạt 15.000 đồng/kg trong quý 3, giảm 10% so với quý 2. Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ ure trong quý 3 đạt khoảng 180,000 tấn, gần tương đương với quý trước.
9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 11.466 tỷ đồng (tăng 90% so với cùng kỳ) và 3.272 tỷ đồng (tăng 298%), hoàn thành 127%/638% kế hoạch năm.
Sau khi đạt đỉnh tại 48,5% trong quý I/2022, biên lợi nhuận gộp giảm đều và đạt mức 30.5% trong quý 3 (giảm 2,68%p so với quý trước, giảm 1,73%p so với cùng kỳ).
Tỷ lệ SG&A trên doanh thu tăng từ 7.5% trong quý 2 đến 9.0% trong quý 3. Do đó, biên lợi nhuận ròng giảm 3,34%p và đạt 22,1%.
Chúng tôi ước tính giá gas đầu vào đối với DCM trong quý 4 có thể đạt 210 USD/tấn, giảm 11% so với mức giá trong quý 3.
Chúng tôi cho rằng DCM có thể cải thiện doanh thu trong quý 4 với tốc độ tăng trưởng khoảng 25-30% so với quý 3, nhờ nhu cầu nội địa cải thiện trong vụ Đông-Xuân.
Trong tháng 10, giá ure dao động từ 15.000 – 15.800 đồng/kg. Chúng tôi cho rằng giá bán có thể tăng dần và đạt đỉnh tại 16.500 – 17.000 đồng/kg trong tháng 11-12 tới đây.
DCM đang được giao dịch tại mức 3.9x TTM PE, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3 năm là 11.6x, và 1.6x PB, cao hơn trung bình 3 năm là 1.4x.
Xem thêm: Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Khuyến nghị tích cực cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 33.700 đồng/cp
CTCK Bảo Việt - BVSC
Mặc dù giá dầu đã có sự hồi phục ấn tượng so với thời điểm của năm 2021, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX) trong nửa đầu năm 2022 kém khả quan hơn nhiều so với dự báo của BVSC, khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 223 tỷ đồng, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này chủ yếu là do tác động tiêu cực đến từ việc chi phí sản xuất kinh doanh tăng, dưới tác động của lạm phát trên toàn thế giới.
Dự báo kết quả kinh doanh 2022 và 2023: Doanh thu của doanh nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 8,5% so với năm trước, đạt 15.408 tỷ đồng trong năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 514,2 tỷ đồng, giảm 14,5%.
Sang năm 2023, với kỳ vọng giá dầu vẫn ở trên mức 60 USD/thùng, BVSC kỳ vọng các hoạt động thăm dò, khai thác và thi công dầu khí vẫn sẽ tiếp tục có những hoạt động sôi nổi. Với tác động của lạm phát lên chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có sự giảm dần trong năm 2023, BVSC kỳ vọng sang năm 2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ 107,1%, đạt 1.065 tỷ đồng.
BVSC cho rằng, mảng căn cứ cảng và dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí của PVS được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các doanh nghiệp khác trong nước. Điểm nhấn cho tăng trưởng về trung và dài hạn của doanh nghiệp sẽ đến từ những nghiệp vụ mà doanh nghiệp có thế mạnh về kinh nghiệm cũng như khả năng cung ứng gần như là độc quyền như: mảng cơ khí đóng mới và xây lắp công trình biển (M&C) và mảng cung ứng, xử lý và vận hành FSO/FPSO.
Sử dụng bình quân của phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF và FCFE, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PVS với mức giá mục tiêu 33.700 đồng/cổ phiếu với upside 53,18%.
Mặc dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn do chi phí sản xuất kinh doanh tăng mạnh, BVSC vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng trung và dài hạn của PVS khi mà các dự án năng lượng lớn được triển khai tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem lại khối lượng lớn công việc cho PVS trong thời gian tới.
Xem thêm: Nhân dân tệ suy yếu xuống mức thấp kỷ lục trong 15 năm qua