Một tàu vũ trụ Trung Quốc vừa hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa, biến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 2 sau Mỹ hạ cánh thành công tàu thăm dò lên hành tinh láng giềng của Trái Đất.
Một tàu vũ trụ Trung Quốc vừa hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa, biến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 2 sau Mỹ hạ cánh thành công tàu thăm dò lên hành tinh láng giềng của Trái Đất.
Tàu thăm dò Zhurong (Chúc Dung) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CNSA) vừa hạ cánh xuống sao Hỏa từ tàu vũ trụ Tianwen-1, bay quanh Hỏa tinh từ tháng 2. Khu vực tàu thăm dò Zhurong hạ cánh là Utopia Planitia, một vùng đồng bằng rộng lớn ở bắc bán cầu sao Hỏa vào lúc 7h sáng ngày 15/5 theo giờ Bắc Kinh.
"Sứ mệnh Tianwen-1 đã đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc hạ cánh tàu thăm dò lên bề mặt hành tinh khác. Nó là cột mốc có ý nghĩa to lớn đối với hành trình phát triển hàng không vũ trụ của Trung Quốc", Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho hay.
Thông qua việc hạ cánh trên hành tinh Đỏ, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong việc chinh phục không gian. Tuy nhiên, thành tựu của hai nước vẫn cách nhau rất ra. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hạ cánh tàu thăm Viking 2 xuống khu vực Utopia Planitia vào năm 1976. Vài tháng trước đó, tàu Viking 1 đi vào lịch sử khi trở thành phương tiện đầu tiên hạ cánh xuống bề mặt Hỏa tinh.
Ở thời điểm hiện tại, tàu vũ trụ tối tân nhất của Mỹ là Perseverance đang thực hiện các sứ mệnh thăm dò trên sao Hỏa sau khi hạ cánh ngày 18/2. Ngày 19/4, trực thăng Ingenuity mà tàu Perseverance mang theo đã cất cánh lần đầu tiên trên sao Hỏa, đánh dấu chuyến bay đầu tiên của một máy bay trên hành tinh khác.
Thăm dò sao Hỏa là một trong các nhiệm vụ đang được Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ. Cơ quan hàng không vũ trụ nước này cho biết: "Tàu thám hiểm sao Hỏa Zhurong được kỳ vọng sẽ khơi dậy khao khát khám phá liên hành tinh của Trung Quốc và đưa nhân loại đi sâu vào không gian rộng lớn vẫn chưa được biết tới".
Dù chậm hơn Mỹ cả 4 thập kỷ nhưng sứ mệnh hạ cánh thành công lên sao Hỏa cho thấy Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Thực tế, hạ cánh xuống sao Hỏa là một sứ mệnh vô cùng khó và việc tiếp đất thành công cho thấy cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc là một trong những cái tên có năng lực nhất.
Thực tế, khi hạ cánh xuống mặt trăng, tàu vũ trụ có thể dùng tên lửa để làm chậm quá trình hạ cánh. Mặt trăng không có khí quyển nên điều này diễn ra khá thuận lợi. Trong khi đó, ở Trái Đất, con người có thể dùng dù để giảm tốc. Sao Hỏa có bầu khí quyển nên rất khó để dùng tên lửa nhưng bầu khí quyển của nó quá mỏng để dù phát huy hiệu quả tối đa.
Nilton Renno, giáo sư về khoa học vũ trụ tại Đại học Michigan cho biết các tàu hạ xuống sao Hỏa phải giảm tốc rất lớn trong một quãng thời gian rất ngắn.
"Hãy tưởng tượng, bạn đang di chuyển với vận tốc 33.000 km/h nhưng phải giảm về 0 trong khoảng 7 phút để có thể hạ cánh thành công", ông Renno chia sẻ.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã cố hạ cánh một tàu lên sao Hỏa vào năm 2003 khi tàu Beagle 2 gặp sự cố. Tàu vũ trụ ExoMars Schiaparelli của họ cũng rơi vào năm 2016 sau khi phần mềm ước tính sai độ cao của nó trong một nỗ lực hạ cánh. Liên Xô cũng hạ cánh xuống sao Hỏa vào năm 1971 nhưng nó chỉ truyền thông tin về trái đất trong chưa đầy 1 phút trước khi im lặng mãi mãi.
Với việc hạ cánh thành công xuống bề mặt hành tinh Đỏ, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc lại vừa có một chiến trường mới. Trong khi đó, các vấn đề cố hữu khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống cấp trầm trọng vẫn chưa được giải quyết.
Zhurong (Chúc Dung) là vị thần lửa trong thần thoại cổ đại Trung Quốc. Lửa đã mang lại hơi ấm và sự sống cho tổ tiên loài người và thắp sáng nền văn minh nhân loại. Theo Wu Yanhua - phó quản trị viên của CNSA - việc đặt tên như vậy cho tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc có nghĩa là châm ngòi cho ngọn lửa khám phá vũ trụ của Trung Quốc.