Lượng sắt, thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng kỷ lục trong thời gian gần đây, giữa bối cảnh giá sắt, thép trong nước phải điều chỉnh liên tục.
Lượng sắt, thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng kỷ lục trong thời gian gần đây, giữa bối cảnh giá sắt, thép trong nước phải điều chỉnh liên tục.
Giá thép ngày 13/5 giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 8 NDT lên mức 6.101 NDT/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50 (theo giờ Việt Nam).
Giá thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải và giá quặng sắt tại Đại Liên đều đạt mức cao kỷ lục, khiến các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ rủi ro trong bối cảnh giá tăng mạnh.
Theo đó, hợp đồng thép cuộn cán nóng (HRC) giao tháng 10/2021, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) đã tăng 3,5% lên mức 6.683 NDT/tấn (tương đương 1.037,12 USD/tấn).
Giá thép cây xây dựng cũng điều chỉnh tăng 2,2% vào thời điểm đóng cửa, ghi nhận mức cao kỷ lục là 6.171 NDT/tấn. Tương tự, giá thép không gỉ giao tháng 6/2021 tăng 2,2% lên mức cao nhất mọi thời đại là 15.580 NDT/tấn.
Trong cùng ngày, giá các nguyên liệu sản xuất thép cũng đồng loạt đi lên. Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) tăng 2,9% lên 1.337 NDT/tấn.
Mặc dù thị trường sản phẩm thép tăng mạnh trong vài tháng qua, song khu vực phía nam Trung Quốc bước vào mùa mưa có thể khiến nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng suy giảm.
Trong khi đó, công ty sản xuất thép tấm ô tô hàng đầu Trung Quốc, Baoshan Iron & Steel cho biết, nhu cầu ô tô trong quý 2/2021 bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chip làm cản đà phục hồi, trong khi quý 3/2021 thường là mùa thấp điểm.
Hiện nay, giá sắt, thép thị trường trong nước đang dao động với mức giá hơn 17.000 đến 18.000 đồng/kg. Và trong ngày hôm nay, nhiều doanh nghiệp sắt, thép lớn đã đồng loạt tăng giá mỗi kg sắt thép từ 500 đồng đến 600 đồng/kg. Thậm chí, loại thép cây to đã tăng thêm 800 đồng/kg, tùy theo doanh nghiệp.
Gần đây, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ tháng 4/2021, tổng lượng sắt, thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt hơn 5 triệu tấn, tăng hơn 540 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.
Lượng sắt, thép nhập khẩu các loại tăng hơn 12% nhưng kéo theo lượng kim ngạch sắt, thép nhập khẩu đã tăng lên hơn 36,6%, mức độ tăng đột biến hơn so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhập các loại thép tăng lên gần 17 triệu đồng/tấn, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái, giá thép bình quân chỉ 14 triệu đồng/tấn, tăng hơn 3 triệu đồng/tấn. Trung Quốc là thị trường cung cấp hơn 50% sản lượng sắt, thép cho Việt Nam. Tính hết tháng 4, lượng sắt, thép Trung Quốc nhập vào thị trường nội địa đạt hơn 2,63 triệu tấn, bằng 52% trong tổng số lượng sắt, thép nhập về Việt Nam.
So với năm 2020, lượng sắt, thép từ nước này nhập về Việt Nam đã tăng hơn 1,13 triệu tấn. Trước đó, giá sắt, thép Trung Quốc bình quân nhập về Việt Nam 16 triệu đồng/tấn, năm 2021 đã tăng hơn 2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê cùng kỳ năm 2020, lượng sắt, thép Trung Quốc về Việt Nam chỉ chiếm 1/3 trong tổng lượng sắt, thép được nhập khẩu, thì đến hết tháng 4 năm 2021, sắt, thép nước này chiếm hơn 1/2 tổng lượng sắt, thép nhập về Việt Nam. Sản lượng đã tăng đáng kể.
Ngoài sắt, thép thô các loại thông thường, Trung Quốc còn là nước cung cấp lượng sắt, thép thành phẩm lớn nhất vào Việt Nam từ lâu. Đến hết tháng 4, lượng sắt, thép thành phẩm Trung Quốc vào Việt Nam chiếm gần 60% trong tổng số lượng sắt, thép nhập khẩu.
Giá sắt, thép xây dựng tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm vào hoàn cảnh khó khăn do chi phí nguyên vật liệu bị đội lên, nhiều nhà thầu xây dựng được dự báo mất lãi trong thời gian này, do phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu, đồng thời phải đàm phán lại giá với chủ đầu tư. Thậm chí, theo doanh nghiệp, họ đang đứng trước rủi ro phá sản do không thể gánh kịp mức tăng giá liên tục của vật liệu sắt, thép trên thị trường hiện nay.
Trước nguy cơ lớn từ giá sắt, thép tăng trên thị trường, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ vì cho rằng có chuyện thao túng giá thép của một số doanh nghiệp.
Theo tổ chức này, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I/2021, đặc biệt ở tháng 4.