Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia vừa ban hành kết quả cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép không gỉ của Việt Nam và Indonesia.
Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia vừa ban hành kết quả cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép không gỉ của Việt Nam và Indonesia.
Cụ thể, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia với mức thuế áp dụng từ 7,81% đến 23,84% đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam và từ -0,2% đến 34,82% đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Indonesia. Mức thuế chống bán phá giá có hiệu lực trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 24/4/2021 - 23/4/2026.
Trước đó, vào ngày 28/7/2020, MITI thông báo chính thức khởi xướng điều tra vụ việc trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất nội địa, đại diện là doanh nghiệp Bahru Stainless Sdn. Bhd.
Hàng hóa bị điều tra là thép không gỉ cán nguội dạng cuộn, tấm hoặc hình dạng khác, được phân loại theo mã AHTN: 7219.31.00.00, 7219.32.00.00, 7219.33.00.00, 7219.34.00.00, 7219.35.00.00, 7220.20.10.00, 7220.90.00.
6 tháng trước, ngày 28/12/2020, MITI công bố kết luận sơ bộ vụ việc, cho rằng có đủ bằng chứng để tiếp tục cuộc điều tra. Vì vậy, MITI quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhằm ngăn chặn sự thiệt hại của ngành sản xuất trong nước trong vòng 120 ngày, kể từ ngày 26/12/2020. Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 7,73% - 34,82% cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và Indonesia.
Như vậy, sau 9 tháng điều tra, tháng 4/2021, MITI đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc và quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia.
Từ chiều ngược lại, trong tháng 4/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia.
Dựa trên kết quả điều tra, Bộ Công Thương cho rằng lượng nhập khẩu từ Malaysia đã tăng mạnh vào thời kỳ điều tra, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép hình chữ H trong nước.
“Hành vi bán phá giá nói trên tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt”, Cục Phòng vệ thương mại cho hay.
Trên cơ sở đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời mà Bộ Công Thương áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Malaysia là 10,2%. Kết luận cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trong quý 2/2021.