Tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 15,9% trong tháng 3 (so cùng kỳ năm trước) lên 16,4% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước), tốc độ cao nhất kể từ tháng 1/2018.
Tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 15,9% trong tháng 3 (so cùng kỳ năm trước) lên 16,4% trong tháng 4 (so cùng kỳ năm trước), tốc độ cao nhất kể từ tháng 1/2018.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng tín dụng nhanh hơn có thể phản ánh nhu cầu tín dụng cao hơn do người tiêu dùng tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong mùa hè.
Mặc dù vậy, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn giảm từ 2,08% vào cuối tháng 3 xuống còn 1,37% trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với lãi suất chiết khấu 2,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cũng theo WB, lãi suất giảm cho thấy thanh khoản tương đối dồi dào trên thị trường trong nước. Điều này có thể phản ánh mức thặng dư ngân sách Nhà nước đáng kể và sự tăng trưởng mạnh hơn của tiền gửi từ khu vực tư nhân sau khi một số ngân hàng nâng lãi suất.
Liên quan đến Ngân sách Nhà nước, Ngân hàng Thế giới cho biết, Ngân sách Nhà nước ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp bội thu nhờ thu ngân sách đạt kết quả tốt.
Cân đối ngân sách bội thu 2,9 tỷ USD trong tháng 4. Thu ngân sách tăng tháng thứ tư liên tiếp (với tốc độ 32,2% so cùng kỳ năm trước) trong khi chi ngân sách giảm 2,4% (so cùng kỳ năm trước) do giảm chi thường xuyên.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách đạt 46% dự toán trong khi chi chỉ đạt 26% dự toán, dẫn đến bội thu 7,7 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công đạt 18,2% kế hoạch do Quốc hội phê duyệt, tương đương với mức ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.
Kho bạc Nhà nước phát hành lượng trái phiếu chính phủ bằng nội tệ có giá trị tương đương 201 triệu USD trong tháng 4, toàn bộ đều có kỳ hạn dài (mười năm trở lên). Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp tăng nhẹ từ 2,20% vào cuối tháng 3 lên 2,28% vào cuối tháng 4. Cùng lúc đó, tỷ lệ trúng thầu, tức là tỷ lệ giá trị trái phiếu trúng thầu trên giá trị trái phiếu được Kho bạc mời thầu đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, từ 31% trong tháng 3 xuống còn 22% trong tháng 4, tỷ lệ thấp nhất trong 12 tháng qua.
Trong bốn tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu phát hành (bao gồm trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) đạt 11,5% kế hoạch năm, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước (18,7%).