Theo số liệu Tổng cục Hải quan, từ ngày 01/01/2022 đến 15/03/2022, toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 147 cuộc, trong đó có 42 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 105 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, từ ngày 01/01/2022 đến 15/03/2022, toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 147 cuộc, trong đó có 42 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 105 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan.
Riêng Cục kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 24 cuộc. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 19,70 tỉ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước 20,29 tỉ đồng.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong Quý I/2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, song để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và thực hiện chỉ các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong công tác quản lý, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai hiệu quả các chuyên đề, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong công tác kiểm tra sau thông quan. Cụ thể:
Nhằm triển khai đồng bộ công tác kiểm tra sau thông quan đối với một số lĩnh vực quản lý, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã nghiên cứu, đánh giá dấu hiệu rủi ro trong một số lĩnh vực quản lý về hải quan theo 7 chuyên đề gồm: Chuyên đề các mặt hàng nhập khẩu có 2 mức thuế suất; Chuyên đề thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc nhập khẩu; Chuyên đề mặt hàng lốp dùng cho ô tô chở hàng, ô tô đầu kéo, sơ mi rơ moóc; Chuyên đề phế liệu nhập khẩu; Chuyên đề máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu; Chuyên đề xuất xứ hàng xuất khẩu đi Mỹ; Chuyên đề xuất xứ hàng xuất khẩu đi Ấn Độ.
Từ đó tạo lập danh sách 202 doanh nghiệp trên địa bàn quản lý giao các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra sau thông quan trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đồng thời. triển khai thực hiện Chỉ thị 439/CT-TCHQ ngày 11/02/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 với 11 giải pháp cụ thể về: xây dựng kế hoạch định hướng; xây dựng thể chế pháp luật; quản lý thuế; chỉ đạo hoạt động kiểm tra sau thông quan tại các Cục Hải quan tỉnh thành phố và đào tạo, tập huấn.
Bên cạnh đó. tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Quyết định sửa đổi Quyết định 575/QĐ-TCHQ ngày 21/3/2019 về việc ban hành Quy trình kiểm tra sau thông quan, trong đó lồng ghép quy trình quản lý doanh nghiệp ưu tiên theo định hướng xử lý được các vướng mắc hiện đang tồn tại, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, quản lý được cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan, tránh được những tiêu cực phát sinh. Tính đến nay đã có 73 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.
Trong Quý II/2022, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án sửa đổi quy trình kiểm tra sau thông quan theo Quyết định số 575/QĐ-KTSTQ ngày 21/3/2019 cho phù hợp với thực tế triển khai, đúng quy định pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và trả lời vướng mắc các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc thực hiện kiểm tra sau thông quan 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề đã giao.
Đặc biệt, tiếp tục xây dựng kế hoạch định hướng đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng xuất khẩu vào EU và Ấn Độ. Nghiên cứu, thu thập, phân tích thông tin làm tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch định hướng, kế hoạch chi tiết, đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan.
Mặt khác, tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý doanh nghiệp ưu tiên và thẩm định, kiểm tra để công nhận và gia hạn doanh nghiệp ưu tiên theo quy định; Tổ chức Hội nghị Kiểm tra sau thông quan toàn quốc nhằm quán triệt, thống nhất các vấn đề nghiên cứu, chỉ đạo công tác kiểm tra sau thông quan, đặc biệt là công tác kiểm tra sau thông quan của hải quan địa phương.