Các đánh giá tại Trung Đông nghiêng về khả năng giá dầu sẽ tiếp tục ở trên mức 100 USD/thùng trong thời gian tới, song mọi thứ sẽ không bị đẩy đi quá xa.
Các đánh giá tại Trung Đông nghiêng về khả năng giá dầu sẽ tiếp tục ở trên mức 100 USD/thùng trong thời gian tới, song mọi thứ sẽ không bị đẩy đi quá xa.
Giá dầu những ngày qua đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014, bởi những căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nga là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai và cũng là quốc gia sản xuất dầu đứng thứ ba thế giới.
Mỹ và Liên minh châu Âu đã nhanh chóng đưa ra các gói trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và cảnh báo sẽ chưa dừng lại. Cho tới lúc này các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa đánh vào các hoạt động xuất khẩu năng lượng của Moscow, nhưng với thị trường dầu thì vẫn còn đó nỗi lo.
Theo báo Tin tức Vùng Vịnh, ngay cả khi phương Tây không cấm vận Nga xuất khẩu dầu, nhưng nếu đánh vào lĩnh vực Ngân hàng khiến các giao dịch của Nga khó khăn hay trừng phạt các hãng bảo hiểm vận tải biển của Nga thì cũng sẽ đều đẩy giá dầu tăng cao. Thêm một yếu tố nữa, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, thì sẽ càng kích thích tâm lý tích trữ dầu. Thị trường dầu không thể không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đáng lưu ý, các đánh giá tại Trung Đông nghiêng về khả năng giá dầu sẽ tiếp tục ở trên mức 100 USD/thùng trong thời gian tới, song mọi thứ sẽ không bị đẩy đi quá xa.
Lý do, theo báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), thì Mỹ và châu Âu chắc chắn cũng phải tính toán, lường trước những hệ quả từ lệnh cấm vận nhằm vào Nga. Thực tế, Tổ chức Năng lượng Quốc tế IEA bao gồm chủ yếu các nước phương Tây mới đây đã tuyên bố sẵn sàng hành động để kiềm chế giá dầu. Lượng dầu còn trong kho của các nước IEA ước tính khoảng hơn 4 tỷ thùng, trong đó 1,5 tỷ thùng hiện nằm trong kho dự trữ chiến lược của các chính phủ.
Thêm một lý do nữa khiến các lệnh cấm vận của phương Tây được cho sẽ phải né các hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Theo Thời báo Khaleej, các nước phương Tây đều hiểu Trung Quốc sẵn sàng phớt lờ các lệnh cấm vận của họ để nhập khẩu dầu của Nga. Trong bối cảnh giá dầu tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng tới xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ chỉ khiến Bắc Kinh được hưởng lợi từ các nguồn dầu giá rẻ từ Moscow.
Còn theo trang báo Kinh doanh Vùng Vịnh thì những tác động tới thị trường dầu không thể phủ nhận. Nhưng một số nhà phân tích cũng tin rằng tình thế hiện nay cũng có thể là động lực để một số nguồn dầu mới được bơm vào thị trường. Nó có thể đến từ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, hai quốc gia đồng minh của Mỹ và cũng được cho là hai nhà xuất khẩu dầu còn dư sản lượng đáng kể nhất trong OPEC+. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể lại mở kho dự trữ dầu chiến lược của mình để bình ổn thị trường.