Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước khác đã nhanh chóng áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế trên phạm vi rộng nhằm vào nước Nga.
Nga đã bị loại khỏi Hội đồng châu Âu và bị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Các nhà ngoại giao Nga đã bị nhiều nước phương Tây trục xuất. Các lệnh cấm đi lại được đưa ra nhằm ngăn chặn các chính trị gia Nga và các nhà tài phiệt Nga nhập cảnh hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Mỹ và EU.
Về mặt kinh tế, các biện pháp trừng phạt bao gồm việc đóng băng tài sản và một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống ngân hàng SWIFT. Các nước phương Tây cũng đóng băng khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga - khoảng 315 tỷ USD. Và họ cũng đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mạnh mẽ.
Ví dụ, Mỹ và Châu Âu đã cấm xuất khẩu rộng rãi các mặt hàng công nghệ tiên tiến và lưỡng dụng. Thuật ngữ “công nghệ lưỡng dụng” (dual-use technology) theo cách hiểu phổ cập trên thế giới là bao gồm các lĩnh vực công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và các sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự. Như vậy, những mặt hàng bị cấm xuất khẩu sang Nga bao gồm một loạt các mặt hàng, các bộ phận và vật liệu công nghiệp, bao gồm các sản phẩm gỗ, sản phẩm sắt và thép, công cụ gia công kim loại, thủy tinh và gỗ cũng như thiết bị công nghiệp và điện.
Tuy nhiên, 6 tháng sau chiến dịch tấn công của Nga, cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Mặc dù Ukraine gần đây đã cố gắng giành lại lãnh thổ ở một số khu vực phía đông của mình, nhưng cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc. Như vậy, mục tiêu chấm dứt nhanh cuộc chiến Nga-Ukraine là không thể.
Vậy, phải chăng các biện pháp trừng phạt đã thất bại?
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đất nước của ông đang đối phó với "sự xâm lược" kinh tế của phương Tây. Ông cảnh báo rằng thay vì mang lại hiệu quả mà phương Tây mong muốn, các lệnh trừng phạt đang làm xói mòn chất lượng cuộc sống của người dân châu Âu và các nước nghèo hơn đang mất khả năng tiếp cận với lương thực và thực phẩm.
Tất nhiên, quan điểm của EU là khác. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen miêu tả các biện pháp trừng phạt Nga là "mạnh nhất mà thế giới chưa từng thấy". Bà tuyên bố các biện pháp trừng phạt đã có hiệu lực và lĩnh vực tài chính của Nga đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Cả hai phát biểu của Tổng thống Putin và Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đều có những ý đúng. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, khó có thể đánh giá chính xác hiệu quả của các biện pháp trừng phạt vì hai lý do: khung thời gian và khả năng tiếp cận các số liệu.
Khi nói đến đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế, sáu tháng thường là không đủ thời gian. Các nhà kinh tế học tin rằng cuộc tranh luận thực sự về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt Nga sẽ kéo dài qua năm 2022.
Thách thức thứ hai là lựa chọn và tiếp cận các dữ liệu đáng tin cậy.
Một con số thường được sử dụng để đo lường tác động của các lệnh trừng phạt là Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) ở quốc gia bị trừng phạt. Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP của Nga sẽ giảm 8,5% vào năm 2022. Hiện dự đoán này đã được thay đổi theo hướng tích cực hơn, đó là nền kinh tế của Nga sẽ xuống mức giảm 6%.
Một con số biểu thị tương tự là tỷ lệ lạm phát. Nhưng cũng như với GDP, không thể thiết lập một mối quan hệ nhân quả rõ ràng và đơn lẻ giữa các biện pháp trừng phạt và lạm phát.
Theo Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga – ông Andrei Belousov, lạm phát ở nước này vào năm 2022 sẽ ở mức 12-13%. Con số thực tế có thể cao hơn.
Doanh số bán xe hơi ở Nga cũng là một chỉ dấu khác cho thấy ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là khi các hộ gia đình có xu hướng cố gắng mua hàng hóa lâu bền trong thời kỳ lạm phát cao. Doanh số bán ô tô trong tháng 3 năm 2022 thấp hơn ba lần so với tháng 3 năm 2021. Đến tháng 9 năm 2022, sản lượng ô tô ở Nga đã giảm 3/4 so với năm ngoái.
Một ảnh hưởng khác có thể được thấy trong ngành hàng không. Ví dụ, hãng hàng không Nga Aeroflot đã phải ngừng bay vì không còn phụ tùng thay thế.
Tương tự, quân đội Nga được cho là đang lấy chip từ máy rửa bát và tủ lạnh để sửa chữa các thiết bị quân sự của họ, vì họ đã hết chất bán dẫn.
Điều này cho thấy rằng hệ thống kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đang hoạt động. Thật vậy, theo một số ước tính, nhập khẩu trong tháng 4 của Nga năm 2022 đã giảm tới 70-80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng các biện pháp trừng phạt luôn là con dao hai lưỡi.
Khi Nga đang thực hiện các biện pháp đáp trả, một số nhà hoạch định chính sách ở phương Tây có thể đã đánh giá thấp hậu quả. Một ví dụ chính về vấn đề này là chi phí năng lượng tăng theo cấp số nhân. Với 40% khí đốt ở châu Âu có nguồn gốc từ Nga, việc nhập khẩu và giá khí đốt đã trở thành những vấn đề quan trọng trong chính trị hàng ngày khi châu lục này đang chuẩn bị bước vào mùa đông.
Không có gì ngạc nhiên khi viễn cảnh các hộ gia đình phải trải qua mùa đông băng giá xuất hiện nổi bật trên các tờ báo ở Đức, Pháp và Ý. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế đối với các nền kinh tế lớn của châu Âu này có thể còn tồi tệ hơn. Ở Đức, có những tính toán rằng việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ khiến GDP giảm 3%.
Tuy nhiên, hiện tại, 78% người dân châu Âu vẫn đang ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga. Nhưng nhiều người cũng nhận ra rằng họ đang phải trả cái giá đắt. Ở Đức, 51% tin rằng các lệnh trừng phạt thực sự đang gây tổn hại cho Đức nhiều hơn là Nga.
Vậy, thực tế trên sẽ dẫn đến đâu?
Các biện pháp trừng phạt đã không ngăn được Nga tiến hành chiến tranh ở Ukraine. Và, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, bản thân quyền lực của Tổng thống Putin tại Nga vẫn còn mạnh mẽ.
Điều này có nghĩa là ảnh hưởng ngắn hạn từ các lệnh trừng phạt Nga có thể ít hơn so với kỳ vọng ban đầu của phương Tây. Nhưng đang có những dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế Nga sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn trong tương lai. Có khả năng ảnh hưởng này sẽ gia tăng vào năm 2023 và xa hơn nữa.
Nói tóm lại, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng việc đánh giá các biện pháp trừng phạt để đo lường được mức độ tác động là rất khó.
Trong bối cảnh đối đầu quân sự trực tiếp, Mỹ, EU và các đồng minh của họ có rất ít lựa chọn thay thế để đáp trả hành động gây hấn của Nga. Quan trọng hơn, có lẽ, rõ ràng là cuối cùng cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.
Và chính tại thời điểm này, các biện pháp trừng phạt - hoặc dỡ bỏ chúng - sẽ trở nên hữu ích như một con bài thương lượng chính trị và kinh tế quan trọng.