Hàng tấn hạt nhân trong tầng hầm của nhà máy hạt nhân Chernobyl đã bắt đầu phản ứng trở lại và không có dấu hiệu dừng lại, qua đó làm dấy lên mối lo ngại về một thảm họa hạt nhân tiếp theo ở Ukraina.
Hàng tấn hạt nhân trong tầng hầm của nhà máy hạt nhân Chernobyl đã bắt đầu phản ứng trở lại và không có dấu hiệu dừng lại, qua đó làm dấy lên mối lo ngại về một thảm họa hạt nhân tiếp theo ở Ukraina.
Các phản ứng hạt nhân đã bắt đầu “âm ỉ” trở lại trong một tầng hầm khó tiếp cận của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraina, theo Live Science.
Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu theo dõi nhà máy, nơi xảy ra thảm họa nổ hạt nhân chết người năm 1986, đã phát hiện ra sự tăng vọt ổn định về số lượng neutron trong một căn phòng dưới lòng đất có tên 305/2. Căn phòng đầy đống đổ nát ẩn chứa một hỗn hợp phóng xạ gồm uranium, zirconium, graphite và cát chảy vào tầng hầm của nhà máy như dung nham, trước khi đông cứng lại thành hình dạng gọi là vật liệu chứa nhiên liệu (FCM).
Mức neutron tăng lên cho thấy những FCM này đang trải qua các phản ứng phân hạch mới, khi neutron tấn công và chia tách hạt nhân của các nguyên tử uranium, từ đó tạo ra năng lượng.
Neil Hyatt, nhà hóa học vật liệu hạt nhân tại Đại học Sheffield (Vương quốc Anh) cho biết trên tạp chí Science rằng: “Chất thải phóng xạ này hiện đang âm ỉ như ‘than hồng trong lò nướng thịt’. Tuy nhiên, những cục than hồng đó có thể bốc cháy hoàn toàn nếu để lâu không bị xáo trộn, qua đó dẫn đến một vụ nổ khác”.
Theo Maxim Saveliev, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện các vấn đề an toàn năng lượng hạt nhân (ISPNPP) ở Kiev, Ukraina, vụ nổ tiềm tàng này sẽ không có sức tàn phá khủng khiếp như vụ nổ phá hủy nhà máy Chernobyl diễn ra vào năm 1986, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và phun ra một đám mây phóng xạ bao phủ khắp châu Âu. Nếu vật liệu hạt nhân bốc cháy trở lại, vụ nổ sẽ xảy ra phần lớn trong lồng thép và bê tông có tên là Shelter, được các quan chức xây dựng xung quanh lò phản ứng Số 4 (Unit Four reactor) đổ nát của nhà máy 1 năm sau vụ tai nạn.
Tuy nhiên, ngay cả một vụ nổ được kiểm soát cũng sẽ khiến nhiệm vụ lâu dài là loại bỏ các FCM của nhà máy trở nên khó khăn hơn nhiều. Shelter đã cũ và có thể dễ dàng vỡ vụn do tác động của một vụ nổ, lấp đầy khu vực với các mảnh vỡ nặng và bụi phóng xạ. Bản thân Shelter cũng được bảo vệ trong một cấu trúc thép lớn hơn được hoàn thành vào năm 2018, có tên là New Safe Confinement.
Saveliev cho biết rằng nồng độ neutron trong phòng 305/2 đã tăng đều đặn trong 4 năm, và có thể tiếp tục tăng trong vài năm nữa mà không xảy ra sự cố. Có thể những hạt nhân này sẽ tự biến mất trong thời gian đó. Nhưng nếu mức neutron tiếp tục tăng, thì các nhà khoa học sẽ phải can thiệp.
Hiện nay, các nhà quản lý nhà máy vẫn chưa tìm ra cách tiếp cận hàng tấn chất phóng xạ bị chôn vùi bên dưới lớp bê tông dày. Theo ISPNPP, mức độ bức xạ quá cao đối với con người, nhưng các robot chống bức xạ có thể khoan xuyên qua đống đổ nát và lắp đặt các thanh điều khiển hấp thụ neutron. Ukraine hy vọng sẽ trình bày một kế hoạch chi tiết cho việc loại bỏ các FCM vẫn còn âm ỉ ở Chernobyl vào tháng 9 tới.
Lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cách thủ đô Kiev 110km về phía bắc đã phát nổ và bốc cháy trong đêm ngày 26/4/1986, làm rung chuyển các tòa nhà và phun chất phóng xạ vào không khí.
Hơn 100.000 người phải sơ tán khỏi các khu vực lân cận. Một vùng bất khả xâm phạm rộng 2.600 km vuông được thành lập, nơi chỉ có các công nhân xử lý chất thải và canh giữ một thành vách được dựng tạm để bao phủ khu vực lò phản ứng.
Phóng xạ vẫn tiếp tục rò rỉ cho đến năm 2019, toàn bộ khu vực lò phản ứng hạt nhân được bao phủ bởi một mái che khổng lồ hình vòm. Nhiều chuyên gia và tổ chức bảo vệ môi trường khẳng định rằng phải tới 150.000 km2 ở Belarus, Nga và Ukraina bị nhiễm xạ.
Năm 2004 người ta thống kê được ít nhất 1.800 trường hợp trẻ em, ở độ tuổi từ 0 đến 14 lúc tai nạn xảy ra bị ung thư tuyến giáp trạng.