Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn khan hiếm vật liệu cao tốc Bắc – Nam?

Thứ năm, 25/03/2021 | 23:01 Theo dõi CFĐT trên

Theo Luật sư Trương Anh Tú, cùng với rút ngắn thủ tục, thời gian cấp phép khai thác mỏ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét có hay không hiện tượng móc ngoặc, đầu cơ, để từ đó tham mưu cho lãnh đạo địa phương có biện pháp xử lý.

Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn sự khan hiếm vật liệu cao tốc Bắc – Nam?
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn khan hiếm vật liệu cao tốc Bắc – Nam?

Sáng 25/3, Báo Giao thông tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến: “Khó khăn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam: Thực trạng và giải pháp”, tại trụ sở tòa soạn, số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội và Văn phòng đại diện phía Nam, 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP. HCM.

Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLCD&CLCGT, Bộ GTVT cho biết dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 bao gồm 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km.

Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án khoảng 52 triệu m3. Hiện có 6/11 dự án đang triển khai, trong đó có 3 dự án Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2 cơ bản không liên quan đến vật liệu. Ba dự án còn lại là Mai Sơn – QL45, Mỹ Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây bắt đầu xảy ra tình trạng than hiếm vật liệu.

“Theo số liệu khảo sát mỏ vật liệu của các đơn vị Tư vấn thiết kế, tổng số lượng mỏ cung cấp cho 11 dự án khoảng 143 mỏ, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020”, ông Tiến nói.

Là đơn vị được giao làm chủ đầu tư hai dự án cao tốc gồm Mai Sơn – QL45 cần 7 triệu m3 đất và dự án Phan Thiết – Dầu Giây cần 3 triệu m3 đất, bà Vũ Thị Thanh Vân, Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết khi lập dự toán mời thầu, Ban và bên tư vấn đã khảo sát thực trạng vật liệu, tham khảo giá vật liệu ở địa phương. Tuy nhiên, bà Vân đã thừa nhận trong quá trình triển khai, giá nguyên vật liệu đã có sự tăng lên đột biến.

Dưới góc độ quản lý dự án, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban QLDA 7 cho hay, hiện nhu cầu toàn dự án cần 8 triệu m3 vật liệu, trong khi đó thực trạng hiện nay các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Như vậy, nguồn cung cấp đang thiếu nghiêm trọng.

Hiện nay, địa phương đang tổ chức đấu giá và khả năng sắp tới đây các mỏ đáp ứng nhu cầu dự án khoảng hơn 4 triệu m3 nếu tính cả 3 nguồn (các mỏ đã có đủ giấy phép khai thác, các mỏ đã chuẩn bị hoàn thiện giấy phép khai thác và các mỏ mới đấu giá).

“Trước thực trạng này, chúng tôi đã làm việc và kiến nghị địa phương, đối với những mỏ hiện nay đã khai thác thì xem xét cấp phép và nâng công suất các mỏ. Theo đó, những mỏ đang hoàn thiện thủ tục cấp phép thì xem xét rút ngắn quy trình, nếu vượt thẩm quyền thì địa phương phải có kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét tháo gỡ”, ông Khoát thông tin.

Giải pháp trước tình trạng nguyên vật liệu tăng giá

Là đơn vị có vai trò tổng tư vấn cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho rằng vấn đề khan hiếm vật liệu nếu không có giải pháp căn cơ thì không chỉ riêng dự án cao tốc Bắc – Nam mà tất cả các dự án trọng điểm khác cũng sẽ vướng vào tình trạng khó khăn này.

Về quy trình khảo sát thiết kế, ông Võ Hoàng Anh cho biết nhiệm vụ khảo sát về vị trí chất lượng, trữ lượng khối lượng tại các dự án từ cơ quan quản lý của Bộ tới Ban quản lý dự án, chủ đầu tư đã thẩm định rất kỹ, khẳng định không thiếu vật liệu để thi công dự án Bắc – Nam và các dự án khác.

Với chức năng là đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, theo quy định Luật Khoáng sản, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát sỏi, đất sét, đất đắp đường, đá vôi….thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.

Theo đó, UBND cấp tỉnh hoàn toàn có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ cho dự án phát triển kinh tế - xã hội.

 “Vật liệu đội giá, nhà thầu nguy to”

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm

Tại buổi tọa đàm, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho hay, nếu giá vật liệu có thể đội lên đến 3 lần, như vậy thì nhà thầu nguy to. Giá không biến động mà do thao túng giá. Giá này không phải hàng hoá thiết yếu, Nhà nước không kiểm soát mà tuân theo quy luật cung cầu. Vậy chúng ta xử lý thế nào?

Một số địa phương vùng sâu xa, tất cả công trình xây dựng đều phải thông qua đầu nậu, không ai đến được. Chuyển vật liệu từ tỉnh bên cạnh ra, dù giá thấp hơn nhưng chưa chắc xe đã đi được vào.

Chúng ta cần có sự vào cuộc của công an địa phương xem có thể xử lý tội thao túng giá. Nhưng Bộ luật hình sự lại chưa quy định, tội đầu cơ cũng nằm ở tình huống khác, thực tế chưa có tiền lệ về xử lý hình sự.

Đẩy nhanh thủ tục cấp phép, xử lý hiện tượng đầu cơ

Trước hiện tượng các chủ mỏ tăng giá, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một năm được điều chỉnh 6 tháng/lần. Các tỉnh có thể điều chỉnh khung giá tài nguyên cho phù hợp với thực tế. Sau khi đã điều chỉnh vẫn thấy chênh lệch thì hoàn toàn có quyền xem xét và xử lý.

Nhận định việc khan hiếm vật liệu có một phần nguyên nhân từ việc các “đầu nậu”, chủ mỏ đầu cơ, thao túng giá, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng cần xem xét có hiện tượng móc ngoặc, đầu cơ hay không, để từ đó tham mưu cho tỉnh; mạnh dạn xử phạt hành chính, xem xét đủ yếu tố khác cũng phải xử lý hình sự; ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động, bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia, nếu các địa phương không quyết tâm thì không thể giải quyết được.

Trước vướng mắc về giá vật liệu có thể ảnh hưởng tới tiến độ cao tốc Bắc - Nam, ông Tú đã đề nghị chính quyền địa phương đứng ra làm trung gian tổ chức hiệp thương về giá giữa các bên. Trong đó, ngoài việc phân tích ý nghĩa chính trị của công trình, cũng cần chỉ ra phương pháp tính giá đầu vào, mức lợi nhuận hợp lý cho các nhà cung cấp vật liệu. Trên cơ sở đó thống nhất đưa ra mức giá hợp lý mà các bên có thể chấp nhận được, phù hợp đúng với diễn biến thị trường.

Vân Đức
Cafe Khởi nghiệp