Nhờ lợi nhuận đột biến hơn 2.100 tỷ đồng từ thương vụ mua rẻ cổ phần Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN), Kinh Bắc đã thoát lỗ ngoạn mục. Tuy nhiên, giá trị tài sản thực tế của SDN có thực sự tương xứng với mức định giá của KBC?
Nhờ lợi nhuận đột biến hơn 2.100 tỷ đồng từ thương vụ mua rẻ cổ phần Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN), Kinh Bắc đã thoát lỗ ngoạn mục. Tuy nhiên, giá trị tài sản thực tế của SDN có thực sự tương xứng với mức định giá của KBC?
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán KBC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2022, ghi nhận doanh thu giảm mạnh 1.053 tỷ đồng, tương đương 90,1% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 116 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 1.405 tỷ đồng, giảm 2.841 tỷ đồng, tương đương 66,9% so với năm 2021.
Kết quả, Kinh Bắc thua lỗ tới 540 tỷ đồng trong quý 4/2022 dù cùng kỳ năm trước lãi 619 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2022, KBC vẫn lãi 1.596 tỷ đồng, tăng 244 tỷ đồng, tương đương 18% cùng kỳ.
Đó là nhờ việc KBC ghi nhận khoản lợi nhuận từ công ty liên kết lên tới 2.199 tỷ đồng. Đây là khoản lợi nhuận đột biến đến từ thu nhập chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh.
Cụ thể, ngày 29/6, KBC thông qua việc mua thêm 5.7 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN), nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 48% và chuyển đơn vị này thành công ty liên kết của KBC với giá trị đầu tư tương ứng 96 tỷ đồng.
Sau khi đánh giá lại, giá trị hợp lý của khoản đầu tư nói trên lên tới 2.250 tỷ đồng, tức KBC thu lãi 2.154 tỷ đồng từ thương vụ mua rẻ này. Nói cách khác, với tỷ lệ sở hữu 48%, KBC đang định giá Sài Gòn - Đà Nẵng lên tới 4.688 tỷ đồng, trong khi công ty này chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Có thể nói, hoạt động mua rẻ đã “cứu” KBC, giúp KBC tránh được một năm thua lỗ.
Tuy nhiên, việc KBC ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ mua rẻ nói trên đã từng gây tranh cãi trong giới đầu tư.
Trước đó, tại BCTC bán niên 2022 tự lập, KBC bất ngờ công bố con số lợi nhuận lên tới 2.457 tỷ đồng dù doanh thu chỉ gần 1.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi KBC công bố BCTC soát xét bán niên 2022, được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, khoản lãi ròng giảm mạnh từ mức 2.457 tỷ đồng về còn 200 tỷ đồng (tương ứng giảm 92% so với báo cáo tự lập).
Nguyên nhân là lợi nhuận từ khoản đầu tư vào Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng bị loại khỏi BCTC. KBC giải thích, do giao dịch nêu trên có tính chuyên môn cao, phức tạp, cần nhiều thời gian hơn để đơn vị kiểm toán soát xét nội dung.
Cũng cần nói thêm, thương vụ KBC rót tiền để nâng vốn tại SDN được thực hiện vào sát ngày chốt sổ kế toán quý II. Doanh nghiệp này nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SGI), nơi ông Đặng Thành Tâm là Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Tâm đang là Chủ tịch HĐQT của KBC và từng là Chủ tịch HĐQT của Công ty Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng.
Với việc ghi nhận giá trị 2.250 tỷ đồng cho phần vốn góp 48%, Kinh Bắc đang định giá Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng lên đến 4.688 tỷ đồng.
Trong một thương vụ M&A, việc thẩm định giá doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó xác định giá trị tài sản thuần là phương pháp được sử dụng thường xuyên nhất. Đây là phương pháp ước tính giá trị doanh nghiệp dựa trên tổng giá trị tài sản thực tế mà doanh nghiệp đang có sau khi đã trừ đi các khoản nợ phải trả.
Dữ liệu từ BCTC riêng lẻ năm 2021, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng có tổng tài sản/nguồn vốn chỉ 2.632 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả lên tới 2.056 tỷ đồng, chiếm 78,1%. Tại thời điểm cuối năm 2021, vốn tự có của công ty này chỉ vỏn vẹn 576 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ là vốn góp của chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, khả năng thanh toán của doanh nghiệp cũng có vấn đề khi tài sản ngắn hạn của công ty là 183 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn lên tới 1.080 tỷ đồng,
Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) của công ty chỉ chỉ đạt 0,17.
Theo lý thuyết kế toán, hệ số này nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn; khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả.
Cuối năm 2021, hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng chỉ đạt 109 triệu đồng.
Theo giới thiệu, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng hiện đang là chủ đầu tư khu công nghiệp Liên Chiểu, KCN Hoà Khánh mở rộng, dự án đô thị Bầu Tràm Lake Side, dự án đô thị Dragon City,… Trước đó, KBC cho biết theo báo cáo tư vấn thẩm định giá độc lập, giá trị hợp lý tài sản thuần của SDN ước tính khoảng 4.805 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư đang thắc mắc, KBC và đơn vị thẩm định đã căn cứ vào đâu để định giá, và việc đánh giá lại giá trị tài sản của SDN có thực sự khách quan.