Việc giá xăng ngày càng tăng cao đã khiến người dân trên khắp nước Mỹ cảm thấy rối loạn và phải cân nhắc trước khi móc hầu bao để chi tiêu bất kỳ một việc gì.
Việc giá xăng ngày càng tăng cao đã khiến người dân trên khắp nước Mỹ cảm thấy rối loạn và phải cân nhắc trước khi móc hầu bao để chi tiêu bất kỳ một việc gì.
Giá xăng tăng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao nhất ở Mỹ trong 40 năm qua. Mức giá này đã đạt kỷ lục 5 USD/gallon, khoảng 31.000 đồng/lít.
Ông Quentin McZeal ở Oakland, California, cho biết trước đây ông chỉ phải mất 100 USD để đổ đầy bình chiếc xe của mình và bây giờ nó đã tăng lên 160 USD. Giá xăng tăng cao buộc ông phải thay đổi thói quen.
"Còn rất nhiều việc khác mà tôi không thể làm vì tôi phải ưu tiên trả tiền xăng. Mua đồ ăn ít đi, hạn chế đi chơi bằng ô tô, để dành xăng để đi làm", ông Quentin Mczeal, cư dân Oakland, California, Mỹ, chia sẻ.
Cách đây 1 năm, giá xăng trung bình tại Mỹ chỉ là 3,07 USD/gallon, gần 19.000 đồng/lít. Kể từ thời điểm đó, giá xăng đã tăng 62%.
Bang California có giá xăng trung bình cao nhất, ở mức 6,4 USD/gallon. Một số bang ở phía Tây và bang Illinois có giá 5,5 USD, trong khi giá xăng trung bình thấp nhất là ở bang Georgia, ở mức 4,4 USD/gallon.
Khi đồng hồ tính tiền đổ xăng dừng lại ở con số 76,53 USD, chị Carolina Baldi, một nhà thiết kế nội thất, đã không giấu nổi sự ngạc nhiên.
"Đó là khoản tiền đắt nhất mà tôi từng trả để đổ xăng từ trước đến nay. Có lẽ đã đến lúc đạp xe thường xuyên hơn, hoặc chọn một phương tiện giao thông công cộng nào khác. Tôi đang nghĩ đến việc đổi sang ô tô điện", chị Carolina Baldi, cư dân Washington D.C., cho hay.
Hãng tin AP cho biết, đã xuất hiện những tranh cãi nội bộ tại Mỹ về giá xăng tăng. Một số thành viên cánh hữu đổ lỗi cho Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Một số cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân. Còn Đảng Dân chủ cáo buộc các công ty dầu mỏ cố tình đẩy giá xăng tăng cao.
"Tôi không đổ lỗi cho tổng thống. Tôi không đổ lỗi cho chính quyền. Đây là một tình huống đáng tiếc. Tôi hy vọng rằng việc OPEC tăng sản lượng dầu và xung đột kết thúc ở Ukraine sẽ có thể làm giảm giá xăng. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là giải pháp dài hạn chứ không phải làm được ngay lập tức", ông Peter Challan, cư dân Washington D.C, chia sẻ.
Theo số liệu của chính phủ, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc đóng cửa một số nhà máy lọc dầu khiến công suất lọc dầu của Mỹ giảm khoảng 800.000 thùng/ngày kể từ đầu năm 2020.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu lại ngần ngại đầu tư vào các cơ sở mới vì việc chuyển đổi sang xe điện đang gây ra nghi ngờ về nhu cầu dài hạn đối với xăng dầu. Chủ sở hữu của một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất Mỹ tại Houston đã thông báo hồi tháng 4 rằng, họ sẽ đóng cửa nhà máy vào cuối năm sau.
Các nhà phân tích dự đoán giá xăng sẽ tiếp tục tăng đến mức nhu cầu dùng xăng của người dân giảm đi, nhưng không ai biết chính xác đó là thời điểm nào. Từ giờ đến lúc đó, bất kỳ lý do nào khiến các nhà máy lọc dầu phải ngừng hoạt động, ví dụ như từ một cơn bão ập vào bờ biển Vịnh Texas và Louisiana, cũng có thể khiến giá tăng cao hơn theo hình xoắn ốc.