Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers nhận định nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong 4 thập kỷ.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers nhận định nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong 4 thập kỷ.
Phát biểu tại một cuộc họp thường niên của Viện Tài chính Quốc tế ở Washington mới đây, ông Summers cho biết: “Đây là một loạt những thách thức phức tạp, khác biệt và sâu rộng nhất mà tôi có thể nhớ trong 40 năm qua. Ông Summers chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng với các ngân hàng trung ương về việc đã đánh giá thấp những rủi ro gây ra do tình trạng lạm phát cao kéo dài và đã không hành động phù hợp, kịp thời để đối phó với khủng hoảng.
“Thành thật mà nói, tôi nghĩ đội cứu hỏa vẫn đang ở trong trạm cứu hỏa.… Tôi rất thất vọng về phản ứng của họ”, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã ví von như vậy.
Ông Summers cho rằng trong bối cảnh hàng loạt thách thức gồm lãi suất tăng, đồng đô la Mỹ mạnh hơn, thiếu hụt năng lượng và lương thực, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu, “ai đó nên đề xuất một điều gì đó quan trọng” để thay đổi tình hình theo hướng tốt hơn lên. Tuy nhiên, vị cựu quan chức dưới thời Tổng thống Bill Clinton không nói rõ thêm về điều này.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 5 lần liên tiếp cho đến thời điểm này trong năm nay và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đã làm theo. Tuy nhiên, ông Summers tin rằng các nhà quản lý đã trì hoãn quá lâu để hành động nhằm giải quyết giá cả tăng cao và lãi suất sẽ phải được đẩy lên thêm nữa ngay cả khi những bước đi như vậy sẽ đưa nền kinh tế vào suy thoái.
“Nếu bạn cố gắng tránh điều đó, bạn sẽ chỉ thấy mình đang rơi vào tình trạng lạm phát kèm theo suy thoái và phải làm điều gì đó mạnh hơn, quyết liệt hơn một chút sau đó. Nhưng điều này dẫn đến tất cả các loại hậu quả dồn vào cho phần còn lại của thế giới”, cựu Bộ trưởng Summers cảnh báo.
Theo ông Summers, một kịch bản hậu quả như vậy sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc cung cấp tài chính cho các thị trường nợ. Ông Summers đưa ra ví dụ là những diễn biến đang diễn ra gần đây ở Anh. Ngân hàng Trung ương Anh đã khởi động một chương trình mua trái phiếu chính phủ khẩn cấp vào tháng trước để đối phó với việc giá trái phiếu giảm mạnh sau khi chính phủ tuyên bố cắt giảm thuế lớn.
“Những gì đã xảy ra ở Vương quốc Anh, một vài trong số đó là những vết thương do họ tự gây ra, nhưng một số khác là do dư chấn gây ra từ những gì đang xảy ra trong hệ thống toàn cầu… Và khi dư chấn xảy ra, không phải lúc nào điều đó cũng có nghĩa là có động đất, nhưng có lẽ bạn nên nghĩ đến việc thực hiện các biện pháp bảo vệ mình trước khả năng xảy ra động đất”, ông Summers giải thích.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ là chuyên gia mới nhất đưa ra lời cảnh báo về nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, hàng loạt các chuyên gia và quan chức trên thế giới đã nói đến viễn cảnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đều nhận thấy nguy cơ gia tăng về viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào một đợt sụt giảm sâu hơn nữa do lạm phát tăng mạnh, giá năng lượng tăng cao và lãi suất leo thang.
Một báo cáo lạm phát tồi tệ khác vừa được Mỹ công bố vào tuần trước có khả năng sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang nhanh chóng tiếp tục nâng lãi suất. Điều đó có thể đẩy giá đồng đô la Mỹ tăng cao hơn, làm tăng thêm chi phí nhập khẩu và dịch vụ nợ cho nhiều quốc gia. Các nhà sản xuất năng lượng chủ chốt đang hạn chế nguồn cung, gây áp lực về giá và hoạt động kinh tế đang chậm lại, đặc biệt là ở châu Âu. Dữ liệu mới từ Trung Quốc cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, một dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế đang hạ nhiệt.
Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva đã cảnh báo tại một cuộc họp của các quan chức tài chính tập trung ở Mỹ hồi tuần trước rằng “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Nguy cơ suy thoái đang tăng cao ở khắp nhiều nền kinh tế” trên thế giới.