Tạp chí The Economist vừa chỉ ra một nghịch lý là hoạt động kinh tế của quốc gia bị trừng phạt - Nga đang 'sôi động hơn' so với hoạt động kinh tế ở khu vực đang thực hiện các biện pháp trừng phạt - khu vực đồng Euro.
Tạp chí The Economist vừa chỉ ra một nghịch lý là hoạt động kinh tế của quốc gia bị trừng phạt - Nga đang 'sôi động hơn' so với hoạt động kinh tế ở khu vực đang thực hiện các biện pháp trừng phạt - khu vực đồng Euro.
Các nền kinh tế trong Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới suy thoái trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, trái với các dự báo đưa ra trước đây, nền kinh tế Nga bất chấp việc bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU lại đang trên đà phục hồi, tờ The Economist hôm qua (13/10) đã có bài viết nhận định như vậy.
“Cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây đang ở một thời điểm mong manh. Trong khi nền kinh tế châu Âu đang đứng trước bờ vực của một cuộc suy thoái thì nền kinh tế của nước Nga lại đang vươn lên”, tờ The Economist cho biết.
Tạp chí The Economist cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng dài hạn của nền kinh tế Nga. Đồng thời, nền kinh tế Nga còn bị tác động bởi lệnh huy động một phần quân của chính quyền Tổng thống Putin. Lệnh này đã khiến khoảng 300.000 người Nga chạy trốn khỏi đất nước. Theo ước tính được trích dẫn bởi tạp chí Economist, người Nga đã rút 14 tỷ USD tiền gửi bằng đồng rúp trong tháng 9, nhiều hơn khoảng 1/3 so với tháng 2.
“Bất chấp những vấn đề nói trên, cuộc suy thoái có lẽ đã kết thúc”, bài viết trên tạp chí The Economist phân tích, đưa ra các dẫn chứng là “chỉ số hoạt động hiện tại” vừa được Goldman Sachs đưa ra – một chỉ số theo dõi các nền kinh tế đang hoạt động như thế nào từ tháng này sang tháng khác. Tờ Economist cho biết: “Dữ liệu cho thấy hoạt động của nền kinh tế Nga đang sôi động hơn so với các nước lớn khác ở châu Âu.
Bài báo cũng nói rằng sản lượng phục hồi trong ngành công nghiệp xe hơi của Nga cho thấy rằng các nhà sản xuất đã có được nguồn cung từ bên ngoài phương Tây. Tính theo đồng đô la, nhập khẩu hàng hóa hàng tháng của Nga gần như chắc chắn vượt quá mức trung bình của năm ngoái, tạp chí The Economist cho hay.
Tờ The Economist đã trích dẫn các dự báo mới nhất vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra, trong đó xác nhận sự phục hồi của nền kinh tế Nga. IMF đã nâng mức dự báo triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Nga cho năm 2022, nói rằng hiện họ dự kiến GDP của quốc gia này sẽ giảm 3,4% - đây là một con số "có thể kiểm soát được" theo The Economist. Con số dự đoán trên đã giảm rất nhiều so với con số giảm 8,5% được IMF dự đoán vào tháng 4.
Tờ báo kết luận: “Thật vậy, dữ liệu cho thấy Nga sẽ có thể duy trì chi tiêu quân sự của mình" khi nền kinh tế đang phát triển như hiện tại.
Bộ Kinh tế Nga đã báo cáo vào tháng trước rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, sự sụt giảm trong GDP của Nga dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với những dự báo trước đây. Trong một triển vọng được cải thiện, Bộ Kinh tế Nga hiện nhận thấy nền kinh tế của nước họ sẽ giảm 2,9% trong năm nay so với 4,2% được dự báo trong tháng Tám.
Nền kinh tế của nước Nga sau đó dự kiến sẽ mở rộng 2,6% trong năm 2024-2025, do nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước tăng mạnh mẽ.
Các quan chức hàng đầu của chính phủ Nga trước đó cho biết nền kinh tế của đất nước đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến khi đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt hà khắc của phương Tây.
Trong khi đó, các nhà kinh tế đang liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ ngày càng tăng về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở khu vực đồng Euro, nói rằng suy thoái kinh tế gần như không thể tránh khỏi. Cuộc khảo sát mới nhất của S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm sâu vào tháng trước khi Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp cuối cùng, được coi là thước đo tốt về sức khỏe kinh tế, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng.