Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, các doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng cho biết, lãi của 6 tháng trước không đủ bù lỗ cho 2 tháng vừa qua…
Tại cuộc họp, thẳng thắn nêu những khó khăn của doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, năm 2022 là năm "dị biệt" nhất trong thời gian vừa qua và là năm rất khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lỗ.
“Do lỗ triền miên, tâm lý của doanh nghiệp đảm bảo nguồn ở mức chỉ đủ hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng” - ông Bùi Ngọc Bảo nói.
Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, bà Phạm Thị Băng Trang - Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - cũng cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp đầu mối đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, các cây xăng đóng cửa có nhiều nguyên nhân, trong đó không phải chỉ có nguyên nhân do thiếu hụt xăng dầu mà còn do một số cây xăng đã đóng cửa từ trước hoặc không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nên không được cấp lại giấy phép.
Bà Trần Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà cũng cho hay, thực sự thì nguồn cung xăng dầu không thiếu mà là doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Bà Mai đề nghị liên Bộ, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra, bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn.
“2 Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý 1, chi phí là 306 đồng/lít, quý 2 là 450 đồng/lít; quý 3 là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý 4, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?” - bà Mai “than”.
Bà Trần Thị Tuyến Mai đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/1 lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Ông Phạm Văn Thoại - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro - chia sẻ mặc dù doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng tìm cách để nhập hàng nhưng hiện mức premium nước ngoài về và chi phí đưa hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam quá cao, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
“Thời điểm đầu năm đến quý 2, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi nhưng từ quý 3 vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thành ủy là dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng. Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi. Song, vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán” – ông Phạm Văn Thoại trần tình.
Ông Thoại cho rằng, mặc dù vừa rồi, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.
“Hiện nay ở các cây xăng có tình trạng có cây xăng đổ được, có cây xăng không thể đổ được. Tình trạng này là tình hình sớm muộn cũng phải xảy ra, không phải do doanh nghiệp mà là do thị trường. Do đó, Liên Bộ cần hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao tính đúng tính đủ mặt bằng chi phí để doanh nghiệp “sống được” - ông Phạm Văn Thoại đề xuất.
Là 1 trong 7 doanh nghiệp bị tạm giữ giấy phép trong 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt OIL - chia sẻ, sau 45 ngày tạm giữ giấy phép, việc đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ xảy ra.
Năm ngoái, Xuyên Việt OIL là doanh nghiệp đứng thứ 2 về mức đóng thuế ở TP HCM. Do đó, việc tạm giữ giấy phép gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất hết uy tín. Công ty đã có giải trình rất kỹ với lực lượng quản lý thị trường về những khó khăn của việc tước giấy phép sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, kể cả trong việc vay vốn và ký kết các hợp đồng nước ngoài.
Cần điều chỉnh định mức chi phí kịp thời
Để tháo gỡ khó khăn, cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng cần phải rà soát lại chi phí.
Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng - kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí. Đối với định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về, nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường. Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng, mặc dù đã điều chỉnh nhưng chưa đúng với thực tế. Vì đây là nền tảng cho việc tạo nguồn.
“Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Do vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Tôi đề nghị Cục giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý, việc này là nền tảng cho việc tạo nguồn” - ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh đề nghị.
Cũng liên quan đến chi phí, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Petrolimex - cho hay, chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn liên Bộ Công Thương - Tài chính chia sẻ với khó khăn này của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, ông cũng đề nghị các Bộ cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được vùng thị trường hàng hóa, có căn cứ điều hành. Đồng thời, cần có định hướng truyền thông tốt để tránh việc nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến thị trường.
Ông Nguyễn Đăng Trình cũng kiến nghị Liên Bộ Công Thương - Tài chính về công thức tính giá cơ sở. Cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng.
Không chỉ rà soát lại chi phí, ông Bùi Ngọc Bảo cũng đề nghị cần xem xét lại cho đúng việc định giá.
“Với việc định giá như thế này, vô hình chung, đây vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Doanh nghiệp trong Nghị định chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.”- ônh Bảo nói.
Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Truyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho rằng, về nguyên tắc, xăng dầu không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá mà vận hành theo cơ chế thị trường, do doanh nghiệp quyết định nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Trong cơ cấu giá cơ sở, giá thế giới chiếm 60%, giá này phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nào dự báo, dự đoán giỏi, mua vào thời điểm giá phù hợp thì sẽ có lợi nhuận nhất định.
Về chi phí, theo quy định hiện hành, tại mỗi kỳ điều hành, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá phù hợp nhất, cân đối lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Tổng hợp, tiếp thu những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – cho biết, trong thời gian tới, cần có các nhóm giải pháp chính trong điều hành xăng dầu để đảm bảo nguồn cung, cũng như hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính rà soát, kiến nghị, đề xuất giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Về mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp (mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10/2022 trong giá cơ sở).
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung.
"Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Vì vậy, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có việc phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cũng như nước ngoài, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường…”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trên tin thần cuộc họp, Thứ trưởng giao cho Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý. Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ thì phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.
CTCP Chứng khoán VPS mới đây đã có báo cáo về việc điều chỉnh chính sách dịch vụ giao dịch ký quỹ trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Mới đây, quỹ đầu tư Giá trị MB Capital (MBVF), thuộc quản lý của MB Capital, đã đưa ra thông báo sẽ mua lại 1 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Gas Petrolimex - CTCP (HOSE: PGC).
Kể từ năm 2015, ông Đỗ Thanh Sơn - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Oceanbank đã dẫn dắt nhà băng này trong giai đoạn tái cơ cấu, và hiện tại ông Sơn sẽ quay trở về VietinBank giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kể từ 11/10.
Việc siết chặt tín dụng tiếp tục khiến giá bán sơ cấp trung bình của thị trường biệt thự giảm -14% theo quý và giá liền kề giảm -9%. Thông tin trên được Savills Việt Nam cho biết tại Báo cáo Thị trường bất động sản Hà Nội quý 3/2022.
Trong phiên giao dịch ngày 13/10 tại thị trường New York, tức rạng sáng ngày 14/10 giờ Việt Nam, giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc mạnh. Chốt phiên giao dịch, giá vàng đã giảm tới hơn 10 USD/ounce so với phiên trước đó.
Tọa lạc tại một không gian hoàn toàn mới, cửa hàng có không gian kép đã làm mới sự hiện diện tại thành phố năng động này. Đây là cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phong cách thiết kế nội thất mới nhất của Cartier…
Ngày 7/10, Quỹ từ thiện Next-G cùng Nhóm thiện nguyện Từ Tâm và các nhà hảo tâm phối hợp với Đồn Biên phòng Chiềng Sơn tổ chức chương trình “Thắp sáng đường biên” và “Phiên chợ 0 đồng” tại xã Tân Xuân, Vân Hồ, Sơn La.
Ngày 9/10, Quỹ từ thiện Next-G và Tổ thiện nguyện Hoa Sen đã tới thăm hỏi và chia sẻ cùng 10 hộ gia đình là nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini thảm khốc khiến 56 người chết tại Khương Hạ, Hà Nội đêm ngày 12/9.
Ngày 23/9, Quỹ Next-G phối hợp cùng Hội Chữ Thập Đỏ Quận Hoàn Kiếm, Hội Chữ Thập Đỏ Phường Hàng Trống và Hàng Bạc đã tổ chức chuyến từ thiện, tặng quà cho Nhà văn hóa, UBND xã Kim Lũ, Trường Mẫu Giáo và những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Kim Lũ.