Việc siết chặt tín dụng tiếp tục khiến giá bán sơ cấp trung bình của thị trường biệt thự giảm -14% theo quý và giá liền kề giảm -9%. Thông tin trên được Savills Việt Nam cho biết tại Báo cáo Thị trường bất động sản Hà Nội quý 3/2022.
Việc siết chặt tín dụng tiếp tục khiến giá bán sơ cấp trung bình của thị trường biệt thự giảm -14% theo quý và giá liền kề giảm -9%. Thông tin trên được Savills Việt Nam cho biết tại Báo cáo Thị trường bất động sản Hà Nội quý 3/2022.
Nguồn cung sơ cấp thị trường đạt 1.180 căn từ 15 dự án, tăng 19% theo quý và 8% theo năm.
Tỷ lệ hấp thụ giảm nhẹ -1% theo quý nhưng tăng 42% theo năm với 299 căn đã bán. Sản phẩm nhà liền kề được quan tâm nhiều nhất, chiếm 75% số căn đã bán của thị trường.
Giá bán sơ cấp trung bình của thị trường biệt thự giảm -14% theo quý và giá liền kề giảm -9%, chủ yếu do nguồn cung mới với giá thấp tại dự án Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 ở Mê Linh, trong khi giá bán sơ cấp của shophouse tăng 5%. Tuy nhiên, tại các dự án hiện hữu đã ghi nhận mức giá sơ cấp biệt thự tăng 10% và liền kề tăng 22% theo quý do số lượng căn tồn thấp tại các dự án này.
Trước đó, báo cáo quý 2 của Savills cho biết, nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
“Việc siết chặt tín dụng tiếp tục khiến tỷ lệ hấp thụ trong quý này giảm -5 điểm % theo quý xuống còn 25%. Tuy nhiên, nguồn cung mới trong quý 3 đã được hấp thụ tốt, chiếm 75% số lượng giao dịch của thị trường”, báo cáo cho biết.
Đề cập đến triển vọng thị trường trong thời gian tới, báo cáo cho biết, các dự án nằm ngoài khu vực trung tâm, đặc biệt tại phía Đông Hà Nội sẽ được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng giao thông với sự hoàn thiện của đường Vành đai 2 kéo dài, cầu Vĩnh Tuy 2, cùng với đó là quy hoạch đường Vành đai 4 hay cầu Trần Hưng Đạo.
Các dự án cơ sở hạ tầng này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến các địa phương khác, giúp tăng thêm sức hút của các dự án ở khu vực lân cận như tại Hưng Yên với Vinhomes The Empire.
Từ khi mở bán từ quý 2/2022, dự án này cũng đã hấp thụ được khoảng 10.000 căn. Dự án mới Vinhomes The Crown với tổng khoảng 8.500 căn cũng sẽ dự kiến mở bán giai đoạn đầu với hơn 1.300 căn trong quý 4.
Trong khi đó, Hà Nội ghi nhận nguồn cung tương lai trong quý 4 thấp hơn với 955 căn dự kiến từ bảy dự án. Do đó, những dự án tương lai với vị trí và giá cả kém hấp dẫn sẽ gặp nhiều khó khăn để có hấp thụ tốt đặc biệt khi phải cạnh tranh với các đối thủ khác tại các tỉnh lân cận với hạ tầng giao thông ngày càng phát triển.
Theo chuyên gia Savills, hậu Covid-19, người mua càng thận trọng hơn khi tham gia thị trường khi giá bán tăng cao và nhiều dự án không đảm bảo về mặt pháp lý. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với chính sách, quy định mới như loại bỏ khung giá đất cho các dự án bất động sản hay mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều đất, nhà ở, bỏ hoang hoặc chậm sử dụng… sẽ giúp tăng tính minh bạch cho thị trường, thanh lọc các dự án và chủ đầu tư yếu kém, hạn chế tình trạng đầu cơ. Điều này sẽ giúp tăng chất lượng, sự an toàn cho thị trường, tạo niềm tin cho người mua.
Theo ông Matthew Powell, Giám Đốc, Savills Hà Nội, nguồn cung từ các khu vực lận cận đang được hương lợi từ các dự án cở sở hạ tầng giao thông mới như đường vành đai hay cao tốc. Chúng tôi nhận thấy lượng lớn nguồn cung mới tại các khu vực này, đây sẽ là đối thủ cạnh tranh mạnh với các dự án tương lai dự kiến tại Hà Nội.