"Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro" S&P Global Market Intelligence đã đưa ra nhận định như vậy khi công bố Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) của khu vực đồng Euro trong tháng 10.
Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) là chỉ số đo lường “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất. PMI dựa trên năm chỉ số thành phần chính: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng và môi trường lao động. Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về các điều kiện kinh doanh hiện tại cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà phân tích và quản lý mua hàng của các công ty/tập đoàn.
Chỉ số PMI của khu vực đồng Euro gồm 19 quốc gia đã giảm xuống 47,1, giảm so với mức 48,1 của một tháng trước đó - mức giảm thứ tư liên tiếp và cũng là mức giảm nhanh nhất trong gần hai năm trở lại đây. Chỉ số này giảm mạnh do lạm phát tăng vọt và giá năng lượng tăng cao.
Tại Đức, chỉ số PMI giảm xuống 44,1, từ mức 45,7 trong tháng 9. Chỉ số PMI dưới 50 báo hiệu một sự thu hẹp của nền kinh tế.
Tình trạng đi xuống trong hoạt động kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ gây ra từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine – một cuộc chiến đang làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cho châu lục này.
Chỉ số PMI của Đức là thấp nhất kể từ khi có những doanh nghiệp đầu tiên ở Đức phải ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19. Cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở Đức đều cho thấy tốc độ thu hẹp ngày càng tăng nhanh, mặc dù điều đó vẫn chưa dẫn đến tình trạng cắt giảm việc làm, cuộc khảo sát cho thấy. Các doanh nghiệp Đức tỏ ra "bi quan sâu sắc" về triển vọng kinh tế cả năm.
Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong EU, nền kinh tế đang trì trệ, với chỉ số PMI là 50 so với 51,2 vào tháng Chín. Mặc dù Pháp đang chịu ảnh hưởng ít hơn các quốc gia khác ở châu Âu từ lạm phát, nhưng giá cả tăng cao vẫn đang gây áp lực lên người tiêu dùng, khiến đơn đặt hàng của các nhà máy giảm sút nghiêm trọng.
Trên toàn khu vực đồng Euro, chỉ số PMI chỉ ra rằng sản lượng của các nhà máy đã giảm trong tháng thứ năm liên tiếp, với tốc độ chưa từng thấy kể từ sau đợt đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất. Tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt nguồn cung đã dịu đi một chút, trong bối cảnh nhu cầu đang giảm sút. Trong khi nhu cầu đầu vào giảm, hóa đơn năng lượng tăng và áp lực tiền lương khiến chi phí tăng cao.
Nhà kinh tế Chris Williamson của S&P Global Market Intelligence nhận định rằng một cuộc suy thoái toàn khu vực đồng Euro "đang ngày càng có vẻ không thể tránh khỏi". "Cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực vẫn là một mối quan tâm lớn và là một lực cản đối với hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng", ông Williamson nói thêm.
Dữ liệu về chỉ số PMI được đưa ra ngay trước thềm cuộc họp vào thứ Năm tới (27/10) của hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Dự kiến, tại cuộc họp này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ đưa ra một đợt cắt giảm lãi suất lớn trong nỗ lực nhằm làm hạ nhiệt tình trạng lạm phát.
Lạm phát ở 19 quốc gia khu vực đồng Euro đang đứng ở mức gần 10% trong tháng 9, gấp 5 lần mục tiêu của ECB là 2%.
Nền kinh tế Đức, nơi có các ngành công nghiệp đói năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga trước cuộc chiến tranh ở Ukraine, hiện được dự báo sẽ thu hẹp 0,4% vào năm 2023.
Lãi suất cao hơn thường đồng nghĩa với việc giảm bớt các hoạt động kinh doanh, vì tín dụng trở nên đắt hơn và chi tiêu của người tiêu dùng giảm. EU còn đang phải chật vật tìm cách giảm giá năng lượng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi cuối tuần cho biết suy thoái ở một số khu vực của châu Âu có thể biến thành "suy thoái sâu hơn" trên toàn châu lục. Sự hỗ trợ của chính phủ để giải quyết chi phí năng lượng và lạm phát sẽ "chỉ bù đắp được một phần" cho những khó khăn của Châu Âu. IMF trước đó đã dự đoán rằng Đức và Ý sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.