Những trường hợp tồi tệ nhất của thị trường tài chính thường xảy ra khi một điều gì đó được cho là rất khó thay đổi sẽ bất ngờ đảo lộn. Chính vì vậy, giới đầu tư tài chính đã trải qua khoảng thời gian đầy khó khăn trong năm nay.
Những trường hợp tồi tệ nhất của thị trường tài chính thường xảy ra khi một điều gì đó được cho là rất khó thay đổi sẽ bất ngờ đảo lộn. Chính vì vậy, giới đầu tư tài chính đã trải qua khoảng thời gian đầy khó khăn trong năm nay.
The Economist đã tổng hợp một vài biến động đáng chú ý nhất trong năm 2022 đầy sóng gió trên thị trường tài chính.
Nhìn lại thập niên 2010, các chuyên gia tài chính hẳn sẽ ngạc nhiên khi mọi người từng giữ vững quan điểm rằng lãi suất sẽ mãi mãi ở mức gần 0.
Thậm chí vào năm 2021, các nhà đầu tư lão làng vẫn còn xuất bản báo cáo với tiêu đề như “Vì sao lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp?”
Chi phí đi vay đã đi xuống trong hàng thập kỷ, sự kết hợp của khủng hoảng tài chính 2007-2009 và đại dịch Covid-19 dường như sẽ vĩnh viễn gắn chặt lãi suất với số 0.
Thế nhưng, dưới áp lực lạm phát kéo dài dai dẳng trong năm nay, lãi suất liên tiếp được nâng lên với quy mô không ngờ. Cụ thể, Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách nhanh nhất kể từ những năm 1980, nâng phạm vi mục tiêu lên 4,25-4,5% qua nhiều lần tăng lãi suất với tổng cộng mức tăng là 4 điểm phần trăm.
Các Ngân hàng Trung ương khác cũng nhanh chóng theo chân Fed. Thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ ngừng tăng trong năm 2023.
Song, trước đó, lãi suất chính sách sẽ chạm đỉnh khoảng 4,5 – 5% ở Anh và Mỹ; 3 – 3,5% ở khu vực đồng Euro. Hầu như không có cơ hội nào để lãi suất quay về số 0 tròn trĩnh.
Kỷ nguyên tiền rẻ đã rơi vào dĩ vãng.
Xem thêm: Kỷ nguyên tiền rẻ đã qua
Phố Wall có câu: “Thị trường giá lên không chết vì già mà bị chính các Ngân hàng Trung ương giết chết”.
Năm 2022 đã diễn ra đúng như vậy, mặc dù thị trường giá lên vừa khép lại đã "sống" rất thọ. Từ đáy sâu trong năm 2009 cho đến đỉnh điểm cuối năm 2021, chỉ số S&P 500 đã tăng 600%.
Tuy nhiên trong năm nay, chỉ số S&P 500 đã rơi vào thị trường gấu và thậm chí có lúc giảm sâu đến 25%. Chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI rớt 20%.
Đáng chú ý, cổ phiếu không phải tài sản duy nhất phải chịu tổn thất nặng nề. Giá cổ phiếu giảm một phần do lãi suất gia tăng, kéo lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên và làm giảm sức hấp dẫn của tài sản rủi ro. Lợi suất tăng đồng nghĩa với giá trái phiếu giảm.
Các chỉ số do Bloomberg tổng hợp về trái phiếu toàn cầu, Mỹ, châu Âu và thị trường mới nổi đã giảm lần lượt 16%, 12%, 18% và 15%. Cho dù giá có giảm sâu hơn nữa hay không thì “thị trường giá lên trong mọi loại tài sản” đã kết thúc.
Xem thêm: Một số quốc gia phải thay đổi chính sách khi kỷ nguyên tiền rẻ đi qua
Vốn không chỉ rẻ trong những năm cuối cùng của thị trường giá lên mà dường như luôn ở ngưỡng rẻ trong suốt 2022. Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của các ngân hàng trung ương đã được vận hành hết tốc lực trong thời đại dịch.
Tổng cộng, Ngân hàng Trung ương Mỹ, Anh, khu vực đồng Euro và Nhật Bản đã bơm ra hơn 11.000 tỷ USD để thúc đẩy giá các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ để duy trì lợi suất của chúng ở mức thấp. Điều này đã thôi thúc các nhà đầu tư tiến vào các khu vực rủi ro hơn của thị trường để tìm kiếm lợi nhuận và giúp những tài sản này bùng nổ.
Ngoài ra, trong giai đoạn 1997 - 2017, các doanh nghiệp Mỹ phát hành 100 tỷ USD trái phiếu rác mỗi năm. Mức trung bình của thập niên 2010 là 270 tỷ USD. Đến năm 2021, tổng giá trị trái phiếu rác được phát hành lên đến 486 tỷ USD và trong năm nay, con số này đã giảm đến 75%.
Fed và Ngân hàng Trung ương Anh đã đảo ngược chương trình mua trái phiếu, tương tự đối với các Ngân hàng Trung ương ở châu Âu.
Thanh khoản đang cạn kiệt và điều này không chỉ bị giới hạn trong thị trường nợ rủi ro. Các cuộc IPO trong năm 2021 huy động được 655 tỷ USD trên toàn cầu, lật dổ mọi kỷ lục trước đó. Nhưng giờ thị trường IPO ở Mỹ đang trên đà ghi nhận năm “đói kém” nhất kể từ năm 1990.
Đợt tăng giá là khoảng thời gian “chán nản” đối với các nhà đầu tư “giá trị”, những người săn tìm những cổ phiếu rẻ so với giá trị thực.
Lãi suất thấp và sự liều lĩnh của nhà đầu tư được thúc đẩy bởi các chương trình QE đã khiến chiến lược này trở nên lỗi thời. Thay vào đó, giá các cổ phiếu tăng trưởng tiến như vũ bão. Nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi tiềm năng đem đến lợi nhuận khổng lồ trong tương lai của chúng.
Từ tháng 3/2009 đến cuối năm 2021, chỉ số chứng khoán tăng trưởng toàn cầu của MSCI tăng vọt với hệ số 6,4, gấp hơn hai lần mức tăng của chỉ số cổ phiếu giá trị.
Thế nhưng, năm nay, lãi suất tăng đã lật ngược tình thế.
Với lãi suất 1%, để có 100 USD sau 10 năm thì bạn cần phải gửi 91 USD vào ngân hàng ngày hôm nay và với lãi suất 5% bạn chỉ cần gửi 61 USD. Sự kết thúc của kỷ nguyên tiền rẻ đã rút ngắn thời hạn đầu tư của nhiều người, khuyến khích họ ưu tiên cho lợi nhuận trước mắt hơn là trong tương lai xa vời.
Sàn giao dịch FTX từng được cho là hình mẫu của ngành tiền mã hóa, được điều hành bởi doanh nhân 30 tuổi Sam Bankman-Fried, đã đột ngột phá sản vào tháng 11 vừa qua và 8 tỷ USD tiền của khách hàng đã “bay màu”.
Cú sập của FTX đã đánh dấu sự đổ vỡ của bong bóng tiền mã hóa. Tại đỉnh cao năm 2021, giá trị thị trường của toàn bộ tiền mã hóa lên đến khoảng 3.000 tỷ USD, gần gấp 4 lần hồi đầu năm.
Kể từ đó, quy mô thị trường tiền mã hóa đã quay về gần 800 tỷ USD. Gốc rễ của những sự kiện xoay quanh tiền mã hóa, cũng như nhiều loại tài sản khác, là thời kỳ tiền rẻ dồi dào và tâm lý lạc quan quá mức mà nó tạo ra.
Xem thêm: Sàn FTX đệ đơn xin phá sản