Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài: Luận lý của luật sư được hình thành như thế

Thứ sáu, 03/09/2021 | 12:03 Theo dõi CFĐT trên

Trong chuỗi ngày vội vã, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã dành cho phóng viên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin những khoảng lặng để nói về nghề nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Thật bất ngờ, khi tận sâu bên trong tâm tư của một luật sư bản lĩnh, điềm đạm, nguyên tắc lại ẩn chứa một tâm hồn đa cảm, sống hết lòng với nghề....

Cơ duyên đặc biệt đến với nghề luật sư

PV: Theo tìm hiểu của tôi, ông thuộc thế hệ đầu tiên gia nhập Đoàn luật sư TP.HCM. Tôi từng được nghe những ngày đầu thành lập của Đoàn luật sư TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng chất chứa nhiều kỷ niệm và hừng hực khí thế. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm ngày đầu ông gắn bó với Đoàn luật sư TP.HCM và nghề?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài: Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày Đoàn Luật sư TP.HCM tròn 30 tuổi (24/10/1989-24/10/2019), trong tôi tràn ngập cảm xúc như mới ngày đầu mình là một trong 67 thành viên gia nhập Đoàn. 

Thật ra, nếu tính về thời gian thành lập, hoạt động nghề nghiệp luật sư ở TP.HCM đã bắt đầu từ Đoàn bào chữa bên cạnh Tòa án được thành lập sau ngày đất nước thống nhất. Chỉ khi Pháp lệnh luật sư năm 1987 được ban hành, Đoàn Luật sư TP.HCM cùng nhiều Đoàn Luật sư địa phương trên cả nước mới tổ chức thành lập.

Thời điểm bấy giờ, những luật sư mới vào nghề như chúng tôi rất bỡ ngỡ, lúng túng. Ấn tượng của tôi là tấm lòng của các luật sư đồng nghiệp đi trước đã tận tình chỉ dẫn, dạy bảo những nền tảng căn bản, tố chất cần có của một luật sư khi hành nghề như trong mái ấm của một gia đình. Quá trình tập sự thời đó có thể “chuyên nghiệp” hơn bây giờ, ngoài tham gia nghiên cứu hồ sơ, luật sư tập sự được tham gia làm việc với khách hàng, được tranh tụng ở Tòa án cấp quận huyện, thực hiện tất cả các kỹ năng và phạm vi hành nghề theo sự hướng dẫn của luật sư thực thụ. 

Đặc biệt, để được công nhận là luật sư chính thức, bên cạnh việc thực hiện bài kiểm tra viết, người tập sự phải trực tiếp bào chữa một vụ án đã đăng ký tại phiên tòa, phía sau có một Hội đồng kiểm tra là các luật sư thực thụ chứng kiến, đánh giá. Nói cách khác, người tập sự khi đó được “sống” trong môi trường hành nghề thật sự, có điều kiện trưởng thành từ trải nghiệm thực tế… 

Ngoài ra, vấn đề hành nghề một cách minh bạch, “chính danh” còn liên quan đến việc giao kết hợp đồng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nên ngay từ khi chuyển từ kiêm nhiệm sang hành nghề luật sư chuyên nghiệp, điều tôi quan tâm nhất là phải có mã số thuế của Văn phòng luật sư. Đây thật sự là một quá trình vất vả để trở thành luật sư đầu tiên được cấp mã số thuế hành nghề luật sư ở TP.HCM. 

PV: Chắc hẳn, ông không thể quên vụ án đầu tiên ông tham gia bào chữa. Ông chia sẻ cảm xúc của bản thân mỗi khi nhớ về vụ án đó được không?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung HoàiSau khi tốt nghiệp Khoa Luật quốc tế Đại học Luật Hà Nội (Khóa 2), đầu năm 1982, tôi về công tác tại Sở Tư pháp TP.HCM. Công tác tại đây được 2 năm, tôi lên đường nhập ngũ vào quân đội. Sau khi xuất ngũ, xuất phát từ chuyên môn được đào tạo về tư pháp quốc tế, năm 1986, tôi về công tác tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp và đầu tư (Imexco), phụ trách công tác thanh tra, sau chuyển làm pháp chế, trợ lý cho Tổng Giám đốc. 

Công việc đang thuận lợi thì bất ngờ xảy ra vụ cháy trụ sở Imexco tại số 8 Nguyễn Huệ, quận 1 và ông Nguyễn Văn Hoàng (Tổng Giám đốc Imexco) bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi trải qua vài phiên tòa trong thời gian tập sự, tôi chính thức hành nghề luật sư với tư cách người bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hoàng trong vụ án kéo dài gần hai năm, được Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm vào ngày 12/9/1991. Có nhiều ấn tượng, trải nghiệm của phiên tranh tụng chính thức “đầu tiên” ấy, với nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, nhưng đó một phiên tòa thành công với lời bào chữa được chấp nhận, kết quả thân chủ của tôi chỉ bị tuyên mức phạt cảnh cáo. Tôi đã chia sẻ về quá trình tham gia vụ án này trong Bút ký luật sư (tập 1) do Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2005. 

PV: Ông từng trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi gắn bó với nghệ luật sư. Tại sao ông chọn gắn bó với nghề này mà không phải bất kỳ một nghề nào khác?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung HoàiThật ra, tôi là học sinh giỏi văn ba năm cấp 3 ở Hà Nội, nhưng khi thi vào khoa Văn tôi lại được chuyển sang khoa Pháp lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1977, ngã rẽ cuộc đời đã đưa tôi đến với nghề luật như một cơ duyên không được đoán định trước. Khi làm việc tại phòng Tuyên truyền pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM, tôi cùng luật sư Phan Đăng Thanh gầy dựng tờ Bản tin Tư pháp từ năm 1982, sau chuyển thành Tuần báo, nhật báo Pháp luật TP.HCM ngày hôm nay. 

Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử vụ cháy trụ sở Imexco, tôi được mời quay trở lại Sở Tư pháp TP.HCM, nhận trách nhiệm Ủy viên biên tập, Trưởng ban Chính trị- xã hội Tuần báo Pháp luật TP.HCM, vừa hành nghề luật sư kiêm nhiệm. Biết bao đắn đo, day dứt, lựa chọn từ bên trong tâm khảm của mình về sự dấn thân vào nghề báo hay nghề luật sư, nhưng cuối cùng tôi đã quyết định chọn để trở thành luật sư chuyên nghiệp vào đầu những năm 90. 

Mỗi lĩnh vực, nghề nghiệp mà tôi có điều kiện trải nghiệm đều để lại những bài học, kinh nghiệm cho tôi được cơ hội trưởng thành, nhưng với quá trình được đào tạo, tôi ngày càng thấm thía hơn sứ mệnh cao quý của nghề luật sư. Đó đơn giản không chỉ là nghề cung cấp dịch vụ, mà phải tích lũy được lượng kiến thức pháp lý và xã hội đủ dày để chia sẻ được tâm trạng, hoàn cảnh của những người yếu thế, thi thoảng là những người ở “tận đáy xã hội”, phải có bản lĩnh để vượt qua biết bao chông gai, trở ngại trên hành trình tiếp cận công lý, tôn trọng sự thật khách quan với sự tận hiến và tấm lòng yêu thương con người… 

“Tôi sợ và biết sợ chứ!”

PV: Ông vừa nói đến “bản lĩnh” của luật sư, nhưng thật sự có lúc nào ông sợ gì không?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài (trầm ngâm): Đây thực sự là câu hỏi xoáy vào tâm can của mỗi luật sư. Tôi sợ và biết sợ chứ! Trong quá trình hành nghề, có thể có nhiều va đập do khác biệt quan điểm, quyền lợi khách hàng đối lập nhau, thậm chí có những áp lực, đe dọa nhưng không làm mình nhụt chí. 

Điều làm tôi sợ nhất chính là mình không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của mỗi khách hàng, chưa thấu hiểu hoàn cảnh, số phận của họ. Từ đó, mình tự đánh mất đi niềm khao khát khi hành nghề, những giá trị mà mình theo đuổi, giảm sút lòng tin trước những mặt trái của cuộc sống. 

Nỗi sợ lớn hơn là những hành trình tố tụng không có điểm dừng, làm tổn hao thời gian, trí lực và chi phí của người dân, doanh nghiệp. 

PV: Khi hình dung về nghề luật sư, tôi nghĩ đến hình ảnh ông đã miệt mài nghiên cứu vụ án thông qua những xấp hồ sơ dày cộm, tự thân điều tra những điều khuất tất của vụ án… Liệu tôi đã hình dung đúng chưa thưa ông? Hay góc khuất của nghề còn lắm nỗi niềm mà người ngoài nghề như tôi không thể nào biết được?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài: Mỗi luật sư đều cố gắng tự trau dồi kỹ năng, bồi đắp tố chất thông qua việc tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và ngay trong thực tiễn đời sống tố tụng. Tuy nhiên, khi tư vấn hay tham gia tố tụng, mỗi luật sư đều phải chú tâm nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, tìm hiểu các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ tranh chấp, từ đó tìm ra giải pháp pháp lý, xây dựng quan điểm bào chữa trong tranh tụng. 

Nhiều vụ đại án liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, có trên dưới 300 tập hồ sơ, gần triệu bút lục, nhưng bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp cố gắng không bỏ sót một bút lục nào, chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch thẩm vấn và xây dựng dự thảo bài bào chữa, vào làm việc liên tục với khách hàng để có sự thống nhất cao. 

Đôi khi, vai trò luật sư được coi như một “tổng đạo diễn”, phải nhìn ra điểm cốt lõi của vụ án nằm ở đâu, ranh giới khác biệt giữa quan điểm buộc tội và gỡ tội, thậm chí phải hình dung được không gian, diễn biến phiên tòa để dự liệu, khách hàng không bị bất ngờ trước các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa. 

Hiện nay, cơ chế tố tụng cho phép luật sư được sao chụp gần như toàn bộ hồ sơ vụ án. Thông qua những tiến bộ của công nghệ 4.0, chúng tôi xử lý file chụp hồ sơ thành bản PDF, rồi chuyển sang file words để tiện trích dẫn và sử dụng. Bất cứ lúc nào, kể cả ngày nghỉ, tôi có thể từ tốn đọc kỹ lại từng chứng cứ, tài liệu, phát hiện những chi tiết đắt giá mà bình thường khi nghiên cứu mình không nhìn ra. Khi bất ngờ phát hiện những tình tiết, chứng cứ có giá trị xoay chuyển cục diện vụ án từ việc nghiên cứu hồ sơ như thế, khiến tôi được trôi đi trong cảm giác khó tả. Luận lý của luật sư được hình thành như thế… 

Dù là quan chức hay “đại gia”, dòng chảy của số phận luôn đảo chiều

PV: Trong chuỗi hoạt động của mình, ông tham gia rất nhiều vụ án điển hình và thu hút sự chú ý của dư luận như: Vụ án Minh Phụng-Epco, vụ án Năm Cam, nông trường Sông Hậu, vụ nhà báo Hoàng Khương, sau này là các vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng, Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng), Trần Phương Bình (Ngân hàng Đông Á), vụ án đánh bạc ở Phú Thọ, một số vụ án liên quan đến Vũ “Nhôm”, và bây giờ là vụ án Mobifone-AVG… Trải qua ngần ấy vụ án, ông ngẫm ra được gì cho nghề của mình? Ông có thấy bản thân may mắn khi được tiếp cận những vụ án lớn để bản thân có cơ hội trau dồi nghề nghiệp?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài: Tôi nghĩ tự thân mỗi luật sư không lựa chọn được khách hàng cho mình, cũng như không ai coi việc hành nghề là do may mắn. Bởi vì, nhiều vụ án mình thấy không đủ sức đảm đương, còn nhận trách nhiệm bào chữa đôi khi cũng có thể do cơ duyên, bạn bè, người quen cũ giới thiệu, cậy nhờ…   

Người xưa từng nói, “thuyền to thì sóng lớn”, thù lao luật sư coi vậy rất hạn hẹp, nhưng áp lực thì vô biên. Chỉ có cách vượt qua những áp lực đó bằng cách thật sự chú tâm vào chuyên môn, kỹ năng hành nghề và ứng xử nghề nghiệp. 

Điều tôi cảm nhận được là thông qua các vụ án nói trên, mình có thêm được cơ hội học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ những người tiến hành và tham gia tố tụng, của chính khách hàng mà mình nhận bào chữa, hiểu thêm giá trị vũ khí chính yếu của một luật sư là luận lý, mặc dù không phải bao giờ lý lẽ của luật sư cũng được chấp nhận. 

Thông qua việc bào chữa cho những người vốn dĩ là quan chức hay đại gia, mình vẫn thấy dòng chảy của số phận luôn đảo chiều, chẳng có gì là bất biến cả. Đằng sau đó vẫn là thân phận của một con người, vẫn có những góc tối và khoảng sáng. Chính vì thế, kết quả sau mỗi phiên tòa không chỉ còn là mức án hay trách nhiệm dân sự, mà trong nhiều trường hợp, nhu cầu của khách hàng chỉ mong muốn thông qua phiên tòa công khai, sự thật khách quan, nguyên nhân, bối cảnh của vụ án được làm sáng tỏ, người ta có thể an lòng khi đi chấp hành án, rồi mong ngày có cơ hội trở về với đời thường… 

PV: Có lẽ, suốt một hành trình dài gắn bó với nghề, ông đã có cơ hội bào chữa cho đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Ông cảm nhận việc thân chủ là một người nghèo, không có vị trí trong xã hội so với thân chủ từng là quan chức, “đại gia”, doanh nhân… thì đối tượng nào yếu thế hơn trước Toà? Liệu có sự khác biệt nào giữa việc bào chữa cho một người nghèo, ít học so với quan chức, “đại gia” hay không?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài: Nhiều đồng nghiệp chắc cũng cảm nhận như tôi, không có sự phân biệt nào giữa khách hàng lớn hay nhỏ, quan chức, đại gia, doanh nhân hay người thân cô thế cô, người nghèo không có tiền trang trải phí luật sư. Có nhiều trường hợp, có những vụ án đơn giản, thuộc trường hợp án chỉ định, mỗi luật sư đều phải làm hết trách nhiệm của mình. Niềm vui khi họ được minh oan, hay giảm thiểu mức án cũng lớn lao như những người khác. 

Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã tặng bài thơ khi tôi bào chữa hai lần Tòa tuyên trắng án cho ông Đào Quốc Túy (nguyên giám đốc DNTN Thái Hòa bị một đương sự tố cáo “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị đưa ra xét xử nhiều lần trong hơn 10 năm – PV): 

Mười năm kêu thấu đất trời

Bao nhiêu oan khuất một thời đã qua

Xác thân dù có về nhà

Giọt đau còn đọng đến già chưa khô

Lửa oan vẫn cháy đến giờ

Sém loang cả những câu thơ giữa đời

Đường nghề hun hút xa xôi

Lòng riêng một nỗi buồn vui nhân tình

Câu thơ viết giữa pháp đình

Nửa mừng thân chủ, nửa dành cho ta…

PV: Nhắc đến nghề luật sư, nhiều người có nói, đôi khi luật sư nằm giữa lằn ranh mong manh giữa việc bảo vệ thân chủ và bẻ cong sự thật. Ông cảm thấy nhận định này thế nào?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung HoàiKhi đối diện với một hồ sơ vụ án, với kết quả điều tra, truy tố và xét xử công khai, là người có kiến thức, kỹ năng, luật sư sẽ biết đâu là sự thật khách quan, đâu là giới hạn mà mình không thể vượt qua. Do đó mới có chuyện khách hàng và luật sư không cùng chung tiếng nói, luật sư có quyền từ chối, chấm dứt hợp đồng (tất nhiên với lý do phải hoàn toàn chính đáng). Không chỉ bằng niềm tin nội tâm, chưa nói phạm trù đạo đức, chỉ thông qua kết quả điều tra, tranh tụng, luật sư nhận biết các dấu hiệu vi phạm, nên nếu nương theo yêu cầu bào chữa “bằng mọi giá”, lời bào chữa của luật sư trước Tòa liệu có thuyết phục Hội đồng xét xử, chưa nói đến dư luận xã hội? 

Vậy luật sư có sức mạnh nào để bẻ cong sự thật? Khi hành nghề, tôi nghĩ mỗi luật sư luôn đứng trước nhu cầu rất lớn của khách hàng, kể cả mong muốn đạt được kết quả cụ thể với mức thù lao thỏa đáng, nhưng khi nhìn nhận trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, mỗi luật sư sẽ phải có sự lựa chọn con đường mà mình sẽ đi. Mình chọn cách tiếp cận thế nào thì con đường đi của mình sẽ hiện ra như thế… 

Liên đoàn Luật sư Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế

PV: Vậy ở góc độ tổ chức xã hội nghề nghiệp, có sự khác biệt nào trong hoạt động nghề nghiệp giữa luật sư Việt Nam và một số nước phát triển?

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung HoàiLiên đoàn Luật sư Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức luật sư quốc tế và quốc gia có nghề luật phát triển và trong khu vực. 

Con đường mà một thẩm phán hay công tố viên muốn được bổ nhiệm, phải trải qua hàng chục năm kinh nghiệm hành nghề luật sư. Tuy khoảng cách có sự chênh lệch khá lớn cả về chiều dài lịch sử của nghề, tầm vóc và quy mô, tố chất nội lực của đội ngũ luật sư ở Việt Nam, nhưng tôi thấy những thách thức của nghề luật sư trước nhu cầu đóng góp cho sự phát triển của nền tư pháp công bằng, gần gũi và tạo thuận tiện cho người dân trong việc tiếp cận công lý thì ở đâu cũng như nhau. 

Vâng, xin cảm ơn ông về buổi trao đổi rất có ý nghĩa này!

Theo Ngọc Lài/Người Đưa Tin
Theo VnMedia.vn Copy
Luật sư kiến nghị loạt chính sách 'cứu' doanh nghiệp mùa dịch

Luật sư kiến nghị loạt chính sách 'cứu' doanh nghiệp mùa dịch

Để chiến thắng Covid-19, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng Chính phủ cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường tiềm lực doanh nghiệp để kinh tế phục hồi nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, tránh nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Cụ bà cho luật sư thừa kế nhà để được 450 USD/tháng tiền trợ cấp, nào ngờ luật sư qua đời trước, cụ bà nhận gấp đôi giá trị căn nhà

Cụ bà cho luật sư thừa kế nhà để được 450 USD/tháng tiền trợ cấp, nào ngờ luật sư qua đời trước, cụ bà nhận gấp đôi giá trị căn nhà

Cụ bà Jeanne Louise Calment (được ghi nhận là người sống lâu nhất thế giới) cho một luật sư thừa kế nhà để được 450 USD/tháng tiền trợ cấp. Nào ngờ người luật sư qua đời trước, vợ của ông phải tiếp tục trả các khoản trợ cấp tiếp theo cho cụ Calment cho đến khi cụ mất. Tổng số tiền trợ cấp nhận được tới lúc cụ qua đời đã gấp đôi giá trị căn nhà.
Chung cư giá bình dân trụ vững sau “cú đấm bồi” Covid lần 4

Chung cư giá bình dân trụ vững sau “cú đấm bồi” Covid lần 4

Các dự án chung cư có giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm do nhu cầu mua ở thực và đầu tư an toàn trong mùa dịch.
Cần bao nhiêu tiền để mua nhà ở Singapore, Sydney, Seoul hay Đài Bắc?

Cần bao nhiêu tiền để mua nhà ở Singapore, Sydney, Seoul hay Đài Bắc?

Bất chấp làn sóng Covid-19 lây lan nhanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá bất động sản tại nhiều trung tâm tài chính lớn vẫn đang tăng vọt, một số nơi thậm chí tăng tới 37%.
Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Trong 8 tháng năm 2021, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%.
Ông chủ Shopee vừa trở thành người giàu nhất Singapore

Ông chủ Shopee vừa trở thành người giàu nhất Singapore

Là một người gốc Trung Quốc nhập tịch Singapore, ông Li hiện sở hữu khối tài sản ròng 19,2 tỷ USD và trở thành người giàu nhất Singapore.
Nhận định đề thi tham khảo môn Sinh học – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Nhận định đề thi tham khảo môn Sinh học – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Sinh học 12 là: Cơ chế di truyền và biến dị, Tính quy luật của hiện tượng di truyền, Sinh thái học, Tiến hóa…
Nhận định đề tham khảo bài thi khoa học tự nhiên – kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Nhận định đề tham khảo bài thi khoa học tự nhiên – kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Bài thi gồm 3 môn thi thành phần là Vật lí, Hóa học và Sinh học. Mỗi môn thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút, tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố; không có câu hỏi thuộc nội dung đã được tinh giản trong chương trình học của học sinh.
Bị chiếm đoạt tài sản khi cho mượn điện thoại để cài phần mềm Dịch vụ công giả mạo

Bị chiếm đoạt tài sản khi cho mượn điện thoại để cài phần mềm Dịch vụ công giả mạo

Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều người dân do điện thoại cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công bị các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản. Trong đó có những trường hợp do cho người thân hoặc bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công.
Ca sĩ Đoan Trang chia sẻ bí quyết dạy con tại mini talkshow 'Làm Mẹ Thật Vi Diệu'

Ca sĩ Đoan Trang chia sẻ bí quyết dạy con tại mini talkshow "Làm Mẹ Thật Vi Diệu"

Đồng hành cùng Mẹ Siêu Nhân, mini talkshow Làm Mẹ Thật Vi Diệu ra đời với mục đích làm rõ tâm lý ở mỗ tình huống, cách hành xử của con trẻ lẫn những người mẹ nghệ sĩ trong chương trình. Ở Tập 1 Mini talkshow, ca sĩ Đoan Trang đã chia sẻ bí quyết dạy con; trong khi đó Vân Hugo đồng cảm với Phạm Quỳnh Anh và Thảo Trang...
Cafe Khởi nghiệp