Để chiến thắng Covid-19, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng Chính phủ cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường tiềm lực doanh nghiệp để kinh tế phục hồi nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, tránh nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Doanh nghiệp chồng chất khó khăn
Dịch Covid 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động đến nhiều mặt của doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị chậm trễ, gián đoạn, thậm chí phải ngưng hoặc đóng cửa trong thời gian dài để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bị sút giảm trầm trọng, nếu không muốn nói là gần như không có.
Trong khi đó, vô vàn bài toán chi phí vẫn được đặt ra cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp vẫn phải cân đối và “oằn mình” chống chọi với đại dịch. Những khó khăn có thể kể đến là: nợ lãi vay ngân hàng để hoạt động kinh doanh; chi phí lương, các khoản hỗ trợ và trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động; chi phí mặt bằng kinh doanh (nếu có); các khoản thuế, phí đóng cho Nhà nước;...
Đây đều là tình trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay trong tình hình dịch bệnh. Nếu tài chính dự phòng của doanh nghiệp không đủ mạnh để cân đối và chi trả cho những bài toán chi phí trên, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đứng trên bờ vực phá sản hay giải thể.
Hình dung đơn giản, nếu không giải quyết được những khó khăn trên, hàng loạt doanh nghiệp sẽ bị xóa sổ trong thời gian tới, lượng lớn lao động đã mất việc làm vì nghỉ dịch covid nay bị thất nghiệp, lượng dư nợ trong ngân hàng tăng đột biến vì không thu hồi được, hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi ngành nghề đều rơi vào thời kì ảm đạm, nền kinh tế tụt dốc mạnh,… Tất cả nhân tố này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, tình hình phát triển của nước ta.
Giải pháp của Chính phủ
Vì vậy, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong mùa dịch vượt qua khó khăn là điều cấp thiết để Nhà nước kiểm soát mọi thứ trong khuôn khổ. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tín dụng, BHXH, cung ứng hàng hóa,... là những phương pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về tài chính trong thời điểm khó khăn này.
Về BHXH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch Covid 19. Theo đó, hỗ trợ dành cho doanh nghiệp trong mùa dịch Covid như sau:
- Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Doanh nghiệp được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ 01/7/2021 đến 30/6/2022).
- Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Doanh nghiệp bị giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng của dịch sẽ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
- Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Chính phủ cũng đã tung ra nhiều gói cứu trợ kinh tế lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ngay từ năm 2020, khi dịch bệnh mới bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN để yêu cầu ngân hàng thương mại hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hoặc giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, yêu cầu Ngân hàng thương mại phải: “Ban hành quy định nội bộ để xác định khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19; Gửi báo cáo hàng tháng về tình hình thực hiện thông tư trên về Ngân hàng nhà nước.”
Bước đầu, chính sách đã đem lại những con số hết sức tích cực. Theo số liệu báo cáo nhanh hàng tuần của các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp, đến ngày 26/7/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng.
Đáng chú ý, bên cạnh các gói cứu trợ kinh tế, trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, bao gồm cả giải pháp về thuế. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất gói giải pháp cứu nguy doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp đề xuất bổ sung về số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành.
Loạt kiến nghị chính sách "giải cứu" doanh nghiệp
1. Chính sách về BHXH
Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể nới rộng chính sách để giảm tải gánh nặng cho doanh nghiệp hơn nữa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội "tái sinh". Có thể kể đến một số giải pháp như:
- Áp dụng chính sách miễn đóng bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch Covid. Đó là các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống;… Thời gian miễn đóng là 01 năm, tính từ 01/7/2021 đến hết 30/6/2022.
- Áp dụng chính sách tạm dừng và giảm đóng bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp còn lại. Theo đó, cho phép các doanh nghiệp còn lại được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian tạm dừng tối đa không quá 12 tháng (trong khoảng thời gian từ 01/7/2021 đến hết 30/6/2022). Sau ngày 01/7/2022, các doanh nghiệp thực hiện đóng bù 50% số tiền đóng bảo hiểm xã hội (gồm quỹ ốm đau và thai sản quỹ hưu trí và tử tuất) cho thời gian tạm dừng đóng.
- Áp dụng chính sách miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương và ngừng việc. Thời gian miễn đóng phụ thuộc thời gian người lao động tạm nghỉ việc, nhưng không quá đến ngày 30/6/2022.
- Áp dụng chính sách miễn đóng bảo hiểm y tế cho mọi doanh nghiệp. Thời gian miễn đóng có thể lên tới 01 năm nhưng không quá đến ngày 30/6/2022.
2. Chính sách về tín dụng
Những giải pháp cấp thiết trong hiện tại về chính sách sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức tự đứng vững, vượt qua các khó khăn của dịch bệnh, tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Nhằm giải cứu nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã tung ra gói cứu trở khoảng 20% GDP quốc gia. Theo một thống kê chưa đầy đủ, Chính phủ Anh tung ra gói cứu trợ 299 tỷ Bảng trong khoảng thời gian 2020 đến nửa đầu năm 2021; Hoa Kỳ đã triển khai gói cứu trợ 4000 tỷ USD; nước Đức bơm vào nền kinh tế 4.000 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2020, Singapore chi ra gói hỗ trợ 20% GDP tương đương 60 tỷ đô la; trong khi đó chỉ riêng gói cứu trợ năm 2020 của Nhật đã lên đến 708 tỷ đô la.
Trong đó, hầu hết các nước đều chi vào nghiên cứu thuốc điều trị ngăn ngừa bệnh, hỗ trợ người nghèo và chi cho việc cứu trợ doanh nghiệp thông qua các gói tín dụng, chưa kể các chính sách về thuế.
Với quy mô GDP như hiện nay của Việt Nam, chúng ta có thể sẽ cần một gói cứu trợ từ 70, đến 80 tỷ USD mới đủ sức vực dậy nền kinh tế cũng như cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Theo khảo sát của VCCI, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19 trong năm 2020. Hiện đã có trên 80.000 doanh nghiệp đóng cửa.
- Do đó, phần lớn trong số các khoản vay đến hạn của các doanh nghiệp nên được khoanh lại, không tính lãi và giãn thời gian trả nợ cho đến khi các doanh nghiệp phục hồi trở lại. Việc này cũng cần phải có thời gian từ một đến hai năm sau khi kết thúc dịch bệnh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần một lượng vốn lớn để phục hồi sản xuất, kèm theo điều kiện lãi suất thật ưu đãi, nếu không được 0% thì cũng cần ở mức thấp hơn 5% như dự kiến của một số ngân hàng hiện nay.
- Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Chính phủ nên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực phát triển chính của nền kinh tế, vì các doanh nghiệp thường này thu hút được lượng lớn nhân lực cũng như dễ dàng xoay chuyển linh hoạt trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh đại dịch này. Những doanh nghiệp loại này sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn, hay nói cách khác là đầu tư của Nhà nước sớm phát huy hiệu quả hơn.
- Hiện các doanh nhiệp đang rất khó khăn trong đề nghị và thu thập chứng từ chứng minh việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Chính phủ có thể chỉ đạo xoá bỏ các thủ tục yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh việc bị ảnh hưởng, bởi dịch bệnh và hệ luỵ của nó là mặc nhiên gây ra khó khăn đối với doanh nghiệp.
- Cuối cùng, Chính phủ nên giám sát chặt chẽ để việc hỗ trợ này đến được với những doanh nghiệp thật sự khó khăn, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Tóm lại, Chính phủ cần có những giải pháp thực chất hơn, mạnh mẽ hơn nữa trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch Covid 19. Một gói cứu trợ tín dụng đủ lớn, cũng như việc triển khai công bằng, hiệu quả, minh bạch sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức chưa từng có trong bối cảnh đại dịch này.
3. Chính sách về thuế
Để có thể chiến thắng dịch bệnh trên nhiều phương diện, bên cạnh việc hạn chế dịch bệnh, cần có những chính sách thuế hợp lý nhằm thích nghi và ứng phó với dịch bệnh kéo dài và tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái. Cụ thể:
- Tăng số lượng miễn, giảm các loại thuế: Đối với doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh, khó khăn lớn về mặt tài chính chủ yếu nằm ở việc duy trì dòng tiền và lãi vay. Vì vậy, gói hỗ trợ miễn giảm thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính có thể sẽ chưa phải là yếu tố mang tính quyết định để giúp doanh nghiệp tồn tại vượt qua đại dịch, tuy nhiên nó đóng vai trò lớn trong việc khích lệ và động viên doanh nghiệp và hơn hết, giúp gia tăng tiêu dùng trong xã hội đặc biệt trong hoàn cảnh hạn chế của ngân sách nhà nước.
Ngoài các sắc thuế trong dự thảo đã miễn giảm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất.., Chính phủ có thể cân nhắc thêm việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ với một số nhóm sản phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch. Về cơ bản, giải pháp căn cơ trong giai đoạn hiện nay là cần miễn giảm thuế gần như là toàn bộ cho doanh nghiệp và cần triển khai nhanh các gói miễn giảm thuế này để đáp ứng tính “cấp cứu” kịp thời cho doanh nghiệp hồi sinh.
- Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí về lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực để ưu tiên hỗ trợ.
- Tăng thời gian hỗ trợ gia hạn nộp thuế, cho phép kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung đối tượng gia hạn để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí. Đối với tiền sử dụng đất, cần phân định rõ các đối tượng được áp dụng và ưu tiên những đơn vị sản xuất như các khu công nghiệp, khu chế suất để đảm bảo tính công bằng hưởng lợi từ chính sách, tránh tình trạng trục lợi từ các doanh nghiệp khác. Đối với thuế VAT cần xem xét hỗ trợ giảm thuế và hoàn thuế trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp bởi đây là loại thuế có diện điều tiết rộng. Giảm thuế VAT nên tập trung cho ngành dịch vụ như lưu trú khách sạn, du lịch, vận chuyển, chuyên chở trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, pháp lý,…
- Giải pháp về thuế nên hướng tới tính bền vững và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng cần được coi là quan điểm chủ đạo. Đồng thời, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển chỉ bố trí vốn ngân sách cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao và kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
- Giảm tối đa từ 50% đến 100% các loại thuế như VAT, thuế TNDN,... và tiếp tục gia hạn những khoản hỗ trợ hiện tại theo lộ trìnhcụ thể cho đến hết năm 2021 và có thể hỗ trợ trong thời gian tiếp theo đầu năm 2022 để đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại. Theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, sau ngày 30/7, người nộp thuế chậm nộp giấy đề nghị sẽ không được gia hạn tiền thuế và thuê đất. Do đó, hiện nay có nhiều đơn vị chưa kịp nộp trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên cần gia hạn về thời gian để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.
- Ngoài ra, trong thời điểm khó khăn này, ngoài việc miễn giảm thuế, việc giảm thiểu tối đa thanh kiểm tra doanh nghiệp, kể cả đối với các trường hợp hoàn thuế cũng thể hiện sự đồng hành và tiếp sức cho doanh nghiệp.
Để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa cân bằng lợi ích nhà nước với lợi ích của doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới đang làm như: miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế; miễn và hoàn thuế VAT… nhằm nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế để chống đại dịch và duy trì phát triển nền kinh tế trong thời kỳ mới đầy khó khăn và thách thức.
4. Chính sách về chuỗi cung ứng
Tinh thần của Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ ngày 06/08/2021 nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo nhằm “duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch covid-19” và “tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn”.
Tinh thần chỉ đạo là chung, nhưng sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và địa phương cần thống nhất cách hiểu, cách thực hiện vấn đề trên cơ sở nhận thức chung nhất giữa các cấp, các địa phương với nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động lưu thông hàng hoá, tránh việc mỗi địa phương một cách hiểu và vận hành như thực tế hiện nay. Cụ thể:
- Bộ Y tế nên bổ sung lực lượng lao động trong ngành vận tải hàng hoá: lái xe, phụ xe vận tải và các đối tượng khác liên quan thuộc đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19, nhằm đảm bảo hoạt động di chuyển giữa các vùng được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất giữa các địa phương và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
- Yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóatrong việc vận chuyển để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cần cụ thể nhưng đơn giản hơn: Cho phép sử dụng kết quả test đơn, test gộp (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) của đơn vị được phép của Bộ Y tế trong việc thực hiện xét nghiệm đối với lực lượng lao động trong ngành vận tải hàng hoá phù hợp với tình hình phòng chống dịch của từng địa phương; Không đồng nhất thời hạn của Giấy chứng nhận xét nghiệm giữa đối tượng chưa được tiêm vaccine với các đối tượng đã được tiêm vaccine; Mở rộng thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với covid-19 (72h tính từ khi lấy mẫu) phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế về khả năng lây lan của dịch bệnh và thực tế hoạt động.
- Ngoài việc vận chuyển hàng hoá, dịch vụ thiết yếu do Bộ Công Thương quy định được phép lưu thông, cần cho phép lưu thông toàn bộ các hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất mà doanh nghiệp đăng ký theo hướng xuất trình hồ sơ, giấy tờ doanh nghiệp đủ để chứng minh tính hợp pháp và tính cần thiết của việc di chuyển theo đúng quy định.
- Linh hoạt trong việc cấp mã QR “luồng xanh” cho doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận tải, cho phép doanh nghiệp vừa chủ động trong việc duy trì hoạt động sản xuất vừa có trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm tự kiểm soát hoạt động của mình tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Song song, các bộ, ngành liên quan cần cung cấp một ứng dụng an toàn, xuyên suốt, cụ thể cho giới tài xế trong công tác giám sát quá trình di chuyển của phương tiện nhằm hỗ trợ kiểm soát giữa các địa phương phục vụ cho việc lưu thông phương tiện vận chuyển và phòng chống dịch.
- Các địa phương cần nhìn nhận tầm quan trọng của hoạt động chuỗi cung ứng, để có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động và linh hoạt với nhau hơn trong công tác xử lý các vấn đề phát sinh, như đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác kiểm soát lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Đồng thời cho phép được di chuyển trong khung giờ giới hạn ở một số địa phương đang áp dụng.
- Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, nên thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, hạn chế sử dụng phương châm “3 tại chỗ”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động cùng đồng hành và có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh cùng chính quyền địa phương cũng như duy trì hoạt động sản xuất như việc chủ động xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh, bởi ít có doanh nghiệp nào lợi dụng dịch bệnh để vi phạm quy định của pháp luật.
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thể xem xét cho phép doanh nghiệp áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo theo quy định của pháp luật về lao động, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo cho hoạt động cung ứng do tình trạng thiếu hụt lao động do không có sẵn nguồn nhân lực trọng yếu tại chỗ.
- Xem xét về mức ưu tiên đối với thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất… trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, người lao động có thể an tâm cùng doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có lẽ rằng, đại dịch Covid-19 đi qua cũng là lúc doanh nghiệp thu dọn tàn dư ảnh hưởng của nó để lại, hoặc là đủ mạnh để vực dậy phát triển hoạt động sản suất kinh doanh, hoặc là leo lét tồn tại, thậm chí chấp nhận bị "xóa sổ" vì phá sản, giải thể. Đó chính là bức tranh trong tương lai của các doanh nghiệp sau đại dịch. Vì vậy, những giải pháp cấp thiết trong hiện tại về chính sách sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức tự đứng vững, vượt qua các khó khăn của dịch bệnh, tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Bộ GTVT yêu cầu rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương ban hành chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 79/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Nghị định 79/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10/2021.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 1082/CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Thị trường trong tuần giao dịch vừa qua vẫn tiếp tục đi xuống dù đà giảm phần nào được hạn chế từ giữa tuần. Thanh khoản sụt giảm cùng việc khối ngoại hạn chế đà bán ròng cho thấy nhà đầu tư đang có xu hướng thận trọng quan sát. Khả năng thị trường sẽ quay trở lại kiểm nghiệm xung lực vùng 1.315 - 1.320 điểm trong tuần tới.
Chứng khoán khởi đầu tuần ở mức cao nhưng kết thúc bằng sự sụt giảm. Chỉ số S&P 500 hôm thứ Ba (12/3) đã đạt mức cao kỷ lục lần thứ 17 trong năm nay, khi các nhà đầu tư phớt lờ mức tăng giá tiêu dùng hàng năm cao hơn dự kiến là 3,2% và hoan nghênh sự hạ nhiệt ở một số danh mục như giá thực phẩm.
Độ rộng thị trường đã có chiều hướng tích cực cho thấy cơ hội ngắn hạn đang gia tăng trở lại, nhưng cơ hội giải ngân chưa rõ ràng cho nên các nhà đầu tư chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp.
Nhìn chung, VN-Index dự báo sẽ có nhịp hồi phục đủ T+ để kiểm tra lại vùng cân bằng tuần trước đó bị phá vỡ ở quanh khu vực 1.060 – 1.075 điểm. Xu hướng thị trường sắp tới cần quan sát thêm các phiên phục hồi sắp tới mới có thể dự đoán rõ ràng hơn.